Cơ hội vươn mình của lao động Việt

Cùng với nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán hiệp định thương mại và mở rộng thị trường việc làm ở nước ngoài, lao động Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe trong những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao như y tế, kỹ thuật, xây dựng và công nghệ thông tin.

Theo khảo sát của PwC năm 2021, 80% doanh nghiệp Việt Nam xem làm việc từ xa là xu hướng cần thiết trong chiến lược nhân lực tương lai. (Nguồn: PwC)

Theo khảo sát của PwC năm 2021, 80% doanh nghiệp Việt Nam xem làm việc từ xa là xu hướng cần thiết trong chiến lược nhân lực tương lai. (Nguồn: PwC)

Đó là nhận định của Tiến sĩ Lương Thanh Thảo, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam trong trao đổi với TG&VN về vấn đề nguồn nhân lực và tiềm năng xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Vị thế của lao động Việt Nam hiện nay được đánh giá như thế nào, thưa bà?

Lực lượng lao động Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nhờ vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và quá trình công nghiệp hóa. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có hơn 56 triệu lao động vào năm 2023 (nhiều hơn Thái Lan 1,39 lần), trong đó 58% dưới 35 tuổi. Cơ cấu dân số trẻ này cung cấp nguồn nhân lực năng động cho cả ngành sản xuất và dịch vụ.

Lao động Việt Nam có trình độ học vấn tương đối cao. Theo Cục Thống kê, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 96,6% vào năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Bất chấp đại dịch Covid-19, công tác kiểm định chất lượng giáo dục vẫn tiếp tục trong năm 2021, với bốn tổ chức kiểm định độc lập được thành lập từ năm 2019 đến nay. Trong số 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đánh giá, 98% đạt kiểm định.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tăng số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kỹ thuật chất lượng cao từ 70 lên 90, trong đó 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và sáu trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Lực lượng lao động Việt Nam có nhiều điểm mạnh giúp nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu. Chi phí lao động cạnh tranh so với các nước như Trung Quốc hay Thái Lan, biến Việt Nam thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn đa quốc gia muốn tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Ngoài ra, theo Khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 của PwC, 71% người lao động Việt Nam cảm thấy có khả năng và tự tin thể hiện kỹ năng của mình - cao hơn mức trung bình 57% của khu vực. Hơn nữa, 55% đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong năm 2023, với khoảng 90% người lạc quan rằng công nghệ này giúp nâng cao chất lượng công việc, sự sáng tạo và phát triển kỹ năng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Khoảng cách giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp làm giảm hiệu quả của giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao.

Dù lao động Việt Nam được đánh giá là có khả năng thích ứng và đạo đức nghề nghiệp tốt, thị trường vẫn đang thiếu lao động có kỹ năng chuyên sâu nhằm cải thiện năng suất. Tuy có mức tăng trưởng ổn định, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng 136 trong số 185 quốc gia. Với tương quan như vậy, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc thường hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư chú trọng đến năng suất.

Cuối cùng, các vấn đề về điều kiện làm việc và quyền lợi lao động ảnh hưởng đến sự hài lòng và khả năng giữ chân lao động. Nếu không được giải quyết, những vấn đề này có thể làm suy giảm năng suất và lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, lao động là cần thiết. Theo bà, vai trò, tiềm năng của lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập của đất nước là gì?

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, đưa lao động có tay nghề ra nước ngoài song song với thu hút đầu tư FDI. Lao động tạo ra nhiều cơ hội việc làm quý giá và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, Chính phủ đã cải thiện khung pháp lý cho hoạt động lao động, coi đây là chính sách quốc gia trọng điểm.

Lao động đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam bằng cách mở ra cơ hội tiếp cận thị trường việc làm quốc tế – đặc biệt là tại các quốc gia thiếu hụt lao động như Nhật Bản và Đức. Hoạt động này không chỉ tạo việc làm mà còn mang lại nguồn kiều hối lớn. Năm 2024, ước tính có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, gửi về nước khoảng 3,5-4 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài lợi ích kinh tế, lao động còn thúc đẩy phát triển kỹ năng và chuyển giao tri thức. Lao động Việt Nam được tiếp cận công nghệ tiên tiến và quy trình làm việc hiện đại, mang kinh nghiệm này trở về nước, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ tăng năng suất lao động. Một lực lượng lao động có kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế cũng giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích bền vững, lao động cần được quản lý chặt chẽ. Chính phủ cần thúc đẩy các chuẩn mực lao động đạo đức và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị để tham gia thị trường lao động quốc tế là rất quan trọng. Những người có tay nghề vững và kỹ năng thích ứng tốt sẽ có tính cạnh tranh cao hơn và dễ đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Việc tiếp tục đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng cao khả năng tìm việc và cải thiện chất lượng tổng thể của lực lượng lao động Việt Nam.

Tiến sĩ Lương Thanh Thảo. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Lương Thanh Thảo. (Ảnh: NVCC)

Đâu là cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển không ngừng?

Bức tranh lao động của Việt Nam hiện nay vừa mở ra nhiều cơ hội hứa hẹn, vừa đặt ra không ít thách thức. Một trong những cơ hội lớn là nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trong các lĩnh vực như y tế, kỹ thuật, xây dựng và công nghệ thông tin. Lao động Việt Nam có tiềm năng đáp ứng tốt các nhu cầu này, trong khi Chính phủ không ngừng nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại và mở rộng thị trường việc làm ở nước ngoài.

Xu hướng làm việc từ xa mở rộng triển vọng việc làm toàn cầu. Giờ đây, nhiều chuyên gia Việt Nam có thể tiếp cận thị trường lao động quốc tế mà không cần phải di cư. Theo khảo sát của PwC năm 2021, 82% người tham gia tin rằng làm việc từ xa sẽ là xu hướng lâu dài, 80% doanh nghiệp Việt Nam xem đây là xu hướng cần thiết trong chiến lược nhân lực tương lai.

Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Trong bối cảnh tự động hóa và AI đang tái định hình các ngành nghề, lao động cần được trang bị các năng lực mới như phân tích dữ liệu, lập trình phần mềm và marketing kỹ thuật số. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đầu tư mạnh hơn vào giáo dục và đào tạo nghề.

Do đó, Chính phủ cần có biện pháp pháp lý mạnh mẽ nhằm bảo vệ lao động ở nước ngoài và giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và nguồn lực. Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với nhà tuyển dụng quốc tế rất quan trọng để duy trì tiêu chuẩn, bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo đảm quy trình tuyển dụng được thực hiện một cách có đạo đức.

Bà có gợi ý gì để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, mang lại nguồn lực cho xã hội, hội nhập thành công vào thị trường thế giới?

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy hội nhập quốc tế, Việt Nam cần triển khai chiến lược toàn diện, tập trung vào giáo dục, đào tạo nghề và hợp tác với doanh nghiệp.

Cải cách hệ thống giáo dục là yếu tố then chốt. Việc nâng cao tư duy phản biện, tính sáng tạo và năng lực sử dụng công nghệ số sẽ giúp người học sẵn sàng thích ứng với nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Thúc đẩy giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đổi mới phương pháp giảng dạy và khuyến khích học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện để lao động liên tục thích nghi và phát triển.

Song song đó, việc mở rộng giáo dục và đào tạo nghề rất cần thiết. Chính phủ cần hiện đại hóa cơ sở đào tạo nghề, nâng cấp trang thiết bị và hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của thị trường. Hình thức hợp tác này có thể mở ra cơ hội thực tập, học việc cho người học, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và tăng khả năng tìm việc làm. Việc tập trung vào các ngành có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, y tế và năng lượng tái tạo sẽ góp phần xây dựng đội ngũ lao động sẵn sàng cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là ưu tiên quan trọng. Kỹ năng ngôn ngữ tốt giúp người lao động giao tiếp hiệu quả và tăng khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cuối cùng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững của lực lượng lao động. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các chương trình tài trợ, vườn ươm khởi nghiệp và ưu đãi cho nghiên cứu - phát triển, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân tự tạo ra cơ hội cho chính mình và đóng góp vào tăng trưởng quốc gia.

Hoàng Nam (thực hiện)

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-vuon-minh-cua-lao-dong-viet-312195.html