Chống lãng phí: Phải là sự tuyên chiến mạnh mẽ quyết liệt!
'Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống 'giặc nội xâm'… có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực'- nhấn mạnh ấy của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết 'Chống lãng phí' có thể nói là lời hiệu triệu của Đảng ta trước vấn nạn lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ đích danh là 'thứ giặc ở trong lòng'. Và để cuộc chiến ấy thành công, đối diện với cuộc chiến ấy phải là sự tuyên chiến hết sức mạnh mẽ quyết liệt của hết thảy chúng ta.
Sau thời gian chuẩn bị, sáng ngày 13/11/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, bởi sẽ mang lại những hiệu quả và tác động như Đảng và Chính phủ đã nêu.
Tuy nhiên, do đây là dự án rất lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, nhiều đại biểu cho rằng cần có những chỉ đạo đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế. Nhiều đại biểu như đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn về vấn đề thời gian và đội vốn. Ông cũng dẫn chứng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công chính thức năm 2011 dự kiến hoàn thành 2015, nhưng sau 12 lần lỡ hẹn mới chạy chính thức. Dự kiến nguồn vốn ban đầu dự án là 553 triệu USD nhưng sau đó lên 868 triệu USD. Dự án Nhổn - ga Hà Nội cũng 14 lần lỡ hẹn, khởi công năm 2006 dự kiến hoàn thành 2010, nhưng tới nay chưa vận hành toàn tuyến. “Cả hai dự án đường sắt đô thị nội đô dù không thể so với đường sắt tốc độ cao nhưng đều kéo dài thời gian và đội vốn. Do đó, cần sự chuẩn bị rất kỹ để hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao” - đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn.
Không khó để thấu hiểu những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội như đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng. Không chỉ có hai dự án đường sắt đô thị nội đô của Hà Nội, việc hàng loạt dự án trước đây vẫn còn đắp chiếu, gây lãng phí không còn là sự hiếm. Thậm chí không khó để nhận biết công trình, dự án chậm tiến độ, bị đội vốn, bị “treo”, “bị đắp chiếu” tại nhiều địa phương trong cả nước, gây rất nhiều hệ lụy, hậu quả khó có thể đong đếm.
Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng vốn đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, đã lùi kế hoạch khởi công đến năm 2025, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu; dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP. Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 800 tỷ đồng) khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành phần thô…. Tại nhiều tỉnh, thành phố, còn vô số nhóm công trình giao thông, xây dựng dân dụng…, được liệt vào danh sách các công trình có vốn đầu tư công chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phần trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận: “lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn”.
Không chỉ là lãng phí từ những công trình dự án, đội vốn, trong bài viết chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm còn chỉ rõ “một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay”, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm…
Hệ lụy của sự “lãng phí gay gắt” này, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội, là vô cùng nguy hiểm bởi nó gây ra những hệ lụy khó có thể đong đếm, định lượng được, đó là sự suy giảm lòng tin của người dân. ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) từng cho rằng, các dự án “trùm mền”, công trình “đắp chiếu” không chỉ lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng, lãng phí nguồn lực đất đai, cơ hội phát triển… mà còn lãng phí niềm tin của Nhân dân.
“Đây mới chỉ là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ lụy xoay quanh nó như: lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết và trên hết đó là lãng phí niềm tin của Nhân dân” - ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh. Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng từng khẳng định: Thứ lãng phí chúng ta dễ nhìn nhận ra rõ nét nhất chính là lãng phí về tài sản, vật chất, tiền bạc – những thứ có thể định lượng được.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nhị Lê, có những thứ lãng phí không thể đong đếm hay quy đổi ra được bằng vật chất mà thiệt hại của nó có khi còn đặc biệt nghiêm trọng như lãng phí thể chế, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực con người, lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin… và rất nhiều những dạng thức lãng phí “tai hại” khác... ĐBQH Đào Hồng Vận (tỉnh Hưng Yên) sau khi chỉ ra tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, không thể đưa vào hoạt động gây lãng phí, thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp cũng đã cho rằng: “Ở đây chúng ta không chỉ gây lo lắng về lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin”.
Như vậy, rõ ràng, lãng phí về niềm tin nguy hiểm hơn lãng phí tiền bạc. Và để để ngăn chặn mối nguy hiểm ấy, không có con đường nào khác hơn chính là việc phải bắt đầu từ sự tuyên chiến sao cho đủ quyết liệt, đủ mạnh mẽ với nạn lãng phí.
Vậy thế nào là đủ mạnhh mẽ, đủ quyết liệt? Trong bài viết “Chống lãng phí”, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ một số giải pháp trọng tâm, trong đó có việc: Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để….
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước.
Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”….
4 giải pháp mà người đứng đầu Đảng ta đã đưa ra thiết nghĩ đã khá toàn diện và thấu đáo. Triển khai sao cho hiệu quả, thực chất 4 nhóm giải pháp ấy chính là sự tuyên chiến quyết liệt với thứ “giặc nội xâm”, giặc “trong lòng” trong mỗi con người chúng ta. Thắng được loại giặc nguy hiểm này, ấy là mỗi người dân đang góp phần thiết thực nhất vào sự chuyển mình đi lên của đất nước.