Chống ngập, đừng chắp vá
Việc cố gắng tìm các 'điểm đen' về ngập úng để chống ngập có thể là giải pháp tình thế vào mỗi mùa mưa tại TP HCM thời gian qua. Dù vậy, bài toán chống ngập của đô thị lớn nhất nước cho đến nay vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, 'ngập chỗ nào, chống chỗ đó'.
Dự án chống ngập gây ngập?
Mới nghe qua, nhiều người cho rằng khó có thể xảy ra nghịch lý này, thế nhưng với nhiều dự án chống ngập thi công kéo dài, hệ thống thoát nước dang dở đã khiến không ít khu dân cư trên địa bàn TP HCM phải than trời vì úng ngập cục bộ.
Bà Trịnh Thị Phương Thái (53 tuổi, ngụ phường Phú Thuận, quận 7) cho biết, dù gia đình bà sống tại nơi được ví như “đô thị kiểu mẫu” của cả nước (đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7) thế nhưng hơn 20 năm hình thành khu đô thị vẫn chưa thể giải quyết xong một vấn đề: chống ngập.
Người dân nơi đây cho biết, ngoài “siêu dự án” chống ngập do triều cường giai đoạn 1 có tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng thì các công trình cầu Phước Long và cầu Long Kiểng cũng thi công rất chậm, kéo dài năm này qua năm khác. Hệ quả là hệ thống giao thông kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè, cũng như kết nối quận 7 với trung tâm TP HCM luôn trong tình trạng ngập úng vào mỗi mùa mưa, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Về vấn đề này, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM thừa nhận, có dự án đã thi công từ năm 2020 nhưng sau đó phải dừng lại vì vướng chưa bàn giao được mặt bằng, có dự án thì vướng do chưa giải quyết xong khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Nếu tháo gỡ được ở khâu địa phương, tức UBND Quận 7 và UBND huyện Nhà Bè cùng bàn bạc, thống nhất việc giao mặt bằng thì “siêu dự án” chống ngập của thành phố đi qua hai địa phương này sẽ sớm hoàn thành vào năm 2023.
Tại huyện Nhà Bè, người dân luôn chịu cảnh mưu sinh, sinh hoạt “bì bõm” trên các cung đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương,…Đây cũng là các cung đường “điểm đen” về ngập úng của TP HCM từ nhiều năm qua chưa thể khắc phục được.
Đối với “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng đang đột ngột dừng thi công, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhìn nhận, đang bế tắc ở khâu bố trí tái định cư cho các hộ dân (còn 52 hộ - pv) bị ảnh hưởng bởi dự án. Một phần nguyên nhân cũng đến từ việc địa phương này chưa có đủ quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân.
Hiện chính quyền huyện Nhà Bè vẫn đang phối hợp với Sở Xây dựng TP HCM để tháo gỡ và tìm quỹ nền tái định cư, dự kiến trong tháng 5/2022 sẽ trình phương án giá bồi thường để giải quyết dứt điểm.
Còn tại TP Thủ Đức, sau thời gian sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) đã giải quyết một phần tình trạng ngập úng tại một số tuyến đường thuộc Quận 2 và Quận 9 (cũ), thế nhưng việc “chắp vá” này không thể giải quyết căn cơ được vấn đề ngập úng mà đô thị hơn 1 triệu dân này đang phải đối diện.
Hiện tại TP Thủ Đức vẫn phải loay hoay với các giải pháp tình thế, tức tập trung xử lý các “điểm đen” về ngập úng vào mỗi mùa mưa.
Chống ngập phải “thuận thiên”
Tại buổi làm việc với UBND TP HCM về giải pháp chống ngập bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman và các chuyên gia nước này gợi ý chính quyền TP HCM nên thiết kế hệ thống chống ngập nước đô thị căn cứ trên diễn biến triều cường cũng như hoạt động biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp trên toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ quá trình thực hiện một dự án chống ngập bền vững tại TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, thực hiện theo mô hình hợp tác công tư.
Đối với “siêu dự án” chống ngập do triều cường trị giá 10.000 tỷ đồng vừa phải tạm dừng thi công do nhiều nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP đã chỉ đạo, đốc thúc trực tiếp đối với chủ đầu tư và các Sở ngành liên quan, trong đó một số hạng mục đã được khởi động lại.
Theo ông Mãi, dự án này có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát ngập của không chỉ khu vực ngoại thành thành phố (Nhà Bè, Bình Chánh) mà giải quyết cơ bản được ngập do triều cường tại các quận trong vùng bảo vệ như Q.1, Q.4, Q.7, Q.8.
Để người dân tại các khu vực này ổn định sinh hoạt trong mùa mưa năm nay, TP HCM đang tập trung lực lượng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về hồ sơ thủ tục, mặt bằng, vật liệu xây dựng,…để dự án hoàn thành vào năm 2023.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tần
g đô thị TP HCM cũng cho biết, đã đề xuất với HĐND TP xin được xem xét tái giám sát siêu dự án này. Tính tới thời điểm hiện tại, “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM tiếp tục dang dở, trễ hẹn bàn giao qua năm thứ 4 so với kế hoạch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chong-ngap-dung-chap-va-5686858.html