Chống 'sốc' cho sinh viên khi học trực tiếp

Việc đến trường học trực tiếp khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân nhiễm bệnh hay hội chứng hậu COVID-19.

TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết dữ liệu khảo sát thu được từ hơn 1.500 sinh viên đến từ 13 đơn vị trong ĐH Quốc gia Hà Nội về sự sẵn sàng của người học khi quay trở lại học trực tiếp cho thấy 56,7% sinh viên cảm thấy sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau, trong đó khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là lo lắng khả năng có thể bị lây nhiễm COVID-19.

Từ đó, sinh viên bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26,3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc hoặc có nguy cơ mắc COVID-19 trong quá trình học tập (24,1%); kiểm soát dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc (13,1%); có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6,1%)…

Sinh viên phấn khởi khi được quay lại học trực tiếp. Ảnh: Nghiêm Huê

Sinh viên phấn khởi khi được quay lại học trực tiếp. Ảnh: Nghiêm Huê

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết các nghiên cứu tổng kết lại, hiện tại, học sinh, sinh viên khi cách ly, học ở nhà quá lâu thường gặp phải 6 nhóm vấn đề tổn thương cơ bản. Cụ thể, 80% học sinh, sinh viên đã và đang có biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần với nhiều dấu hiệu như khó khăn về ăn ngủ, mất tập trung, buồn chán, không hứng thú và dễ khó chịu, ít thông cảm, thường xuyên bị đau đầu, không hiểu bài giảng…

Nhà trường hỗ trợ gì?

GS. TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết sinh viên của trường khi trở lại học trực tiếp chủ yếu lo lắng về sức khỏe, bệnh tật và đời sống.

Trường đã kết hợp hỗ trợ đồng thời cả 3 yếu tố này như xây dựng những video bài luyện, kỹ thuật tĩnh tâm; tư vấn điều trị, chăm sức khỏe, kể cả rủi ro hậu COVID - 19; hỗ trợ tiền, kit test, gói thực phẩm, máy đo Sp02 mini, nhiệt kế và giảm học phí... GS Thanh cho biết, sau 3 tuần, trường đã có “kinh nghiệm và bản lĩnh” để ứng xử với tình hình mới. Hơn nữa, sinh viên nhận thấy nếu bị mắc COVID-19 cũng không quá nặng (chưa ai phải đi viện) nên cũng giảm lo lắng, sợ hãi hơn những ngày đầu.

PGS Nam chia sẻ, hai tuần đầu đi học trở lại, trường không chỉ tổ chức giảng dạy kiến thức mà còn phải có các giải pháp đồng hành để sinh viên làm quen dần với môi trường bình thường mới. Sự vào cuộc hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội cũng giúp sinh viên an tâm hơn rất nhiều trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng như hiện nay.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chong-soc-cho-sinh-vien-khi-hoc-truc-tiep-post1421707.tpo