Chống xói lở và bảo vệ bờ biển ở Hội An

Là một trong những bờ biển được công nhận đẹp nhất châu Á, sau năm 2014, bờ biển Hội An (Quảng Nam) đã bị xói lở nặng, bãi tắm mất đi, hạ tầng dọc bờ biển hư hại. Trước tình hình khẩn cấp về bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều dự án với số tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, chưa đạt hiệu quả như mong đợi, rất cần một giải pháp đồng bộ, tối ưu hơn.

Xói lở không chỉ làm mất vẻ đẹp của bãi biển Cửa Đại mà còn đe dọa các công trình giao thông, du lịch ven biển.

Xói lở không chỉ làm mất vẻ đẹp của bãi biển Cửa Đại mà còn đe dọa các công trình giao thông, du lịch ven biển.

Sạt lở diễn ra phức tạp

Hơn 10 năm nay, bờ biển Hội An bị biến động bởi tình trạng biển xâm thực ngày càng mạnh, xói lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm biển xâm thực ăn sâu vào đất liền từ 10m đến 20m, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và hoạt động kinh doanh tại khu vực này. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực để kè đá, dùng bao cát chắn sóng tạm thời, nhưng vẫn không ngăn chặn được xói lở.

Bãi biển Cửa Đại (phường Cửa Đại), sóng biển đã xâm thực sâu vào bờ từ 5m-8m, sạt lở không chỉ làm mất vẻ đẹp của bãi biển này, đe dọa các công trình ven biển mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân. Từ năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nhiều dự án kè ngầm, giảm sóng từ xa dài gần 2,3 km ở khu vực bãi biển Cửa Đại, đồng thời khu vực kè ngầm vào đất liền được bơm cát, tăng khả năng bảo vệ bờ biển. Khi bãi biển Cửa Đại được hồi sinh thì bãi biển Tân Thanh (phường Cẩm An) cách chỉ vài trăm mét lại xói lở, xâm thực nặng nề khiến người dân địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù đã hết mùa biển động, thời tiết dần ôn hòa nhưng tình hình xói lở vẫn diễn biến phức tạp. Có đoạn, xói lở đã tạo vách đứng cao từ 1m-1,5m, nhiều công trình kè bảo vệ của khách sạn, nhà hàng cũng bị cuốn trôi. Có chỗ, bờ biển bị khoét sâu trung bình từ 5m-7m, tạo thành hàm ếch tiến sát vào khu dân cư và khu vực kinh doanh của người dân.

Ông Lê Văn Hùng, khối phố Tân Thành chia sẻ: “Trước kia nhà tôi có mở quán ở bờ biển để phục vụ du khách, nhưng dần dần biển bị xói lở mỗi lúc một nặng. Rất nhiều lần, các hộ dân trong khu vực và chính quyền dùng kè bằng cọc tre, bao cát nhưng mỗi lần biển động lại bị cuốn trôi hết”. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ một cơ sở du lịch cho biết, nhiều du khách đã đặt phòng, nhưng đến nơi thấy hiện trạng thì không chịu ở, cơ sở buộc phải trả tiền lại, doanh số từ đó đến nay sụt giảm. “Riêng cơ sở chúng tôi đã bỏ gần 500 triệu đồng làm mọi biện pháp để chống xói lở nhưng vẫn không có kết quả khả quan”.

Trước tình hình nêu trên, cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã công bố tình huống khẩn cấp về xói lở bờ biển Cẩm An đoạn qua khối phố Tân Thành để có những biện pháp ứng phó. Trước mắt là chủ động sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục chống xói lở, đồng thời phối hợp, tham mưu phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Để bảo vệ bờ biển và chống xói lở khẩn cấp cho bờ biển Hội An, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã thực hiện hơn 10 dự án tại khu vực với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, giữa năm 2021, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã thực hiện dự án nạo vét Cửa Đại tạo luồng hàng hải. Toàn bộ số cát gần 100 nghìn mét khối được bơm đến bãi tắm Cửa Đại để tạo bãi cùng với dự án đê ngầm xa bờ chắn sóng. Giải pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, cộng với việc đầu tư chắp vá, thử nghiệm, không đồng bộ cho nên mới chỉ triển khai thực hiện được gần 2,3 km trên khoảng 6 km bờ biển cần được bảo vệ.

Trước tình hình nêu trên, ngày 20/3/2025, Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức bước vào giai đoạn triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 42 triệu Euro, tương đương 982 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Quỹ phát triển Pháp, vốn viện trợ không hoàn lại của EU và vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng giải pháp công trình tổng thể nhằm chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư trong khu vực bị ảnh hưởng. Mục tiêu là bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân, cũng như các cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 1.300 hộ dân phường Cửa Đại và khu vực lân cận, nhất là khu vực ven biển; tạo điều kiện để ổn định dân sinh, phát triển kinh tế. Ngoài ra, dự án còn phù hợp với quy hoạch và kế hoạch chiến lược phát triển của thành phố Hội An nói riêng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven biển của tỉnh Quảng Nam nói chung.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ, Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định đường bờ biển Hội An thông qua các giải pháp toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực.

“Việc triển khai, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm tình trạng xói lở bờ biển, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng cường khả năng chống chịu của người dân địa phương trước tác động của biến đổi khí hậu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung”.

LÊ ANH QUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chong-xoi-lo-va-bao-ve-bo-bien-o-hoi-an-post871038.html