'Chốt' đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh Trình Quốc hội hai dự án vành đai đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh Dự án đường vành đai 3: Gỡ điểm nghẽn để TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ phát triển
Mục tiêu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng. Dự án có chiều dài khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; quy mô đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
Dự án có nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 642,7 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.
Các đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh bấm nút thông qua Nghị quyết
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, bao gồm: 31.380 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 29.676 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là 19.449 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai là 1.567 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương là 7.808 tỷ đồng và tỉnh Long An là 852 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng, bao gồm: 7.361 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 6.961 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt tương tự với dự án vành đai 4, vùng Thủ đô. Cụ thể như, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án (không bao gồm đường song hành (đường đô thị)) hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án. Giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án….