Chủ đầu tư nói gì về 'khuất tất' tại dự án cầu Trần Hoàng Na?

Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư) chính thức lên tiếng về những 'khuất tất' trong triển khai dự án cầu Trần Hoàng Na…

Có hay không bất thường trong đấu thầu?

Gần đây, dư luận rộ lên thông tin về dự án cầu Trần Hoàng Na, TP Cần Thơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ hồ sơ mời thầu đến quá trình thực hiện hợp đồng.

Công trường thi công dự án cầu Trần Hoàng Na.

Công trường thi công dự án cầu Trần Hoàng Na.

Theo những nguồn tin phản ánh, trong quá trình mời thầu, Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư) đã đưa ra tiêu chí xét thầu không phù hợp.

Cầu Trần Hoàng Na là công trình trọng điểm (thuộc Dự án 3), bắc qua sông Cần Thơ nối liền quận Cái Răng và Ninh Kiều, được Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ - chủ đầu tư, tổ chức khởi công xây dựng ngày 18/9/2020.

Tổng chiều dài cầu Trần Hoàng Na là 586,9m. Đơn vị trúng thầu thi công là Liên doanh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) và Công ty CP Cầu 14 với giá trị hợp đồng là 791,4 tỷ đồng.

Trong đó quy định, tối thiểu số hợp đồng tương tự được thực hiện với tư cách nhà thầu, thành viên liên danh hoặc nhà thầu phụ trong giai đoạn ngày 1/1/2013 tới thời điểm nộp thầu phải thỏa mãn các điều kiện:

Thực hiện ít nhất 1 hợp đồng cầu là tổ hợp dầm thép và bê tông và 2 hợp đồng trong đó có ít nhất 1 hợp đồng bắt buộc phải là dầm thép dạng vòm và 1 hợp đồng cầu là dầm bê tông Super T và trong số đó ít nhất phải có 2 hợp đồng có giá trị tối thiểu 30 triệu USD.

Đồng thời các hợp đồng này phải thỏa mãn tối thiểu các yêu cầu như: Kết cấu nhịp cầu vòm thép, khẩu độ tối thiểu 150 mét với khối lượng kết cấu thép: 2.900 tấn/hợp đồng hoặc 1.450 tấn/năm; Có kinh nghiệm thi công cầu dẫn có kết cấu dầm super T: 84 dầm/hợp đồng hoặc 42 dầm/năm; Sản lượng cọc nhồi với đường kính D=1.800: 2.800 mét/hợp đồng hoặc 1.400 mét/năm.

Những tiêu chí trên gây khó khăn cho các nhà thầu đã từng thi công các công trình cầu lớn, làm hạn chế rất nhiều nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu; do không đáp ứng được sự kết hợp các tiêu chí yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Thi công công trình cầu Trần Hoàng Na nhìn từ trên cao.

Thi công công trình cầu Trần Hoàng Na nhìn từ trên cao.

Đối với vấn đề thép sử dụng cho dự án, khi thi công, chủ đầu tư chỉ định sử dụng duy nhất thép của nhà sản xuất Hyundai, trong khi quy định của thiết kế và hợp đồng chỉ yêu cầu chủng loại thép theo tiêu chuẩn kỹ thuật, không quy định sử dụng một nhà sản xuất thép cụ thể.

Việc chủ đầu tư yêu cầu phải dùng thép từ một nhà sản xuất thép cũng như chế tạo dầm thép phải do một nhà máy sản xuất gây nhiều khó khăn trong quá trình thi công dự án.

Do hợp đồng điều chỉnh giá nên việc chỉ Hyundai mới cấp được thép dẫn tới giá thép độc quyền sẽ bị tăng cao và rủi ro về tiến độ.

Dư luận cũng cho rằng, có sự lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng. Theo hợp đồng ký kết giữa các bên, nhà thầu phụ được phê duyệt là Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Công nghệ Nam Anh, thực hiện phần cung cấp và sản xuất vòm thép, dầm thép, cung cấp và lắp đặt cáp treo, gối cầu, khe co giãn với giá trị là 32,45% tổng trị giá hợp đồng.

Theo nghi vấn, Công ty Nam Anh không có nhà máy sản xuất dầm thép và kết cấu thép, không có máy móc thiết bị. Tại thời điểm chủ đầu tư chấp thuận nhà thầu phụ: Công ty Nam Anh không có năng lực kinh nghiệm chế tạo và lắp đặt cầu vòm mà chỉ có kinh nghiệm thực hiện 3 cầu vượt cho người đi bộ.

Ngoài ra, còn có dấu hiệu “gian dối” trong hồ sơ dự thầu: đưa vào năng lực thực hiện dự án cầu Phật Tích trong khi còn đang trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng. Đây là hành vi cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả phê duyệt nhà thầu.

Dự án cầu Trần Hoàng Na đang chậm tiến độ.

Dự án cầu Trần Hoàng Na đang chậm tiến độ.

Đa số nhà thầu không sở hữu nhà máy gia công chế tạo kết cấu thép

Trước những thông tin phản ánh trên, ngày 24/5, ông Đoàn Minh Nam - Tổng giám đốc Công ty Nam Anh, cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ không được xem xét khi đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu chính (trừ trường hợp hồ sơ mời thầu quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt).

Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Nam Anh là nhà thầu phụ do liên danh CIENCO1 - Cầu 14 đề xuất và kê khai trong hồ sơ dự thầu, với tỷ lệ đảm nhận 32,45%

Điều này là phù hợp với quy định và không cần đánh giá, xem xét năng lực của thầu phụ, bản thân nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng của công trình.

Việc kê khai nhà thầu phụ trong hồ sơ dự thầu là quyền của nhà thầu chính, năng lực hợp đồng của nhà thầu phụ cũng như các hợp đồng đang triển khai. Việc hợp đồng Phật Tích mà Công ty Nam Anh là thầu phụ chưa hoàn thành không được xem xét trong quá trình chấm thầu nên không thể coi là “gian dối” vì chủ đầu tư sẽ không xem xét năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ để đánh giá việc nhà thầu có đáp ứng yêu cầu hay không.

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành.

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành.

Thực tế hiện nay, phần khối lượng công việc do Nam Anh đảm nhận (60% khối lượng kết cấu thép do CIENCO 1 giao) đang đảm bảo tiến độ, phần vi phạm là phần khối lượng 40% kết cấu thép còn lại, đã được chấp thuận bổ sung đơn vị cung cấp vật tư (theo thư chấp thuận số 1005/BQL-QLKTMT ngày 07/7/2021).

Tuy nhiên đến nay sau gần 1 năm chấp thuận phần khối lượng 40% vẫn chưa được cung cấp.

Quá trình triển khai, CIENCO 1 cũng tự ý thay đổi phạm vi công việc theo đề xuất trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng ký với chủ đầu tư và nhà thầu phụ Nam Anh, dẫn đến phần việc 40% còn lại không đảm bảo tiến độ.

Cũng theo ông Nam, trong HSMT không yêu cầu tiêu chí nhà thầu phải có nhà máy sản xuất kết cấu thép, vì thực tế đa số các nhà thầu xây dựng cầu đường hiện nay không sở hữu nhà máy gia công chế tạo kết cấu thép.

Ở đây, nhà thầu chính CIENCO 1 - Cầu 14 cũng không đề xuất trong hồ sơ nhà máy sản xuất kết cấu thép nào do CIENCO 1 - Cầu 14 sở hữu.

Không có chuyện cài cắm tiêu chí mời thầu và hạn chế nhà thầu

Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban quản lý các dự án ODA TP Cần Thơ, cho rằng, đối với gói thầu CT3-PW-2.4; theo hướng dẫn của mẫu HSMT ICB do Ngân hàng Thế giới (WB), căn cứ quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, Ban QLDA có thể yêu cầu nhà thầu đáp ứng kinh nghiệm thi công công trình có quy mô, tính chất tương tự và các hoạt động chủ chốt để kiểm chứng kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thực hiện.

Căn cứ các hướng dẫn của WB, quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, tư vấn đã chuẩn bị HSMT trình Ban QLDA xem xét để trình cấp thẩm quyền. WB xem xét có ý kiến không phản đối trước khi phê duyệt phát hành HSMT.

Dự án cầu Trần Hoàng Na.

Dự án cầu Trần Hoàng Na.

“Bên cạnh đó, ý kiến phản ánh về việc các yêu cầu về hoạt động chủ chốt phải đồng thời thỏa mãn trong hợp đồng tương tự là không đúng bởi vì các yêu cầu này được chuẩn bị theo mẫu HSMT tiêu chuẩn của WB nên không bắt buộc các hợp đồng tương tự phải đồng thời thỏa mãn các kinh nghiệm hoạt động chủ chốt.

Đến thời điểm đóng thầu, Ban Quản lý các dự án ODA không nhận được bất kỳ kiến nghị hay phản ánh nào của các nhà thầu đối với tiêu chí mời thầu mặc dù rất nhiều nhà thầu đã mua HSMT. Điều này thể hiện việc các nhà thầu đã đồng thuận với các yêu cầu của HSMT.

Điều này có nghĩa nhà thầu có thể sử dụng các hợp đồng khác để chứng minh các kinh nghiệm về hoạt động chủ chốt này”, ông Thượng thông tin.

Cũng theo ông Thượng, quá trình mời thầu được tiến hành một cách công khai, minh bạch. Trong đó, đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu với sự tham gia của các sở, ban ngành, đại diện các nhà thầu quan tâm nhằm giải đáp các nội dung HSMT, tổ chức khảo sát công trường tạo điều kiện thuận lợi đề các nhà thầu tiềm năng chuẩn bị hồ sơ.

Tại thời điểm đóng thầu có 6 nhà thầu nộp HSDT tham dự bao gồm: liên danh các nhà thầu trong nước, nhà thầu Trung Quốc, nhà thầu Hàn Quốc. Điều này đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh trong đấu thầu. Do đó, không có chuyện cài cắm tiêu chí mời thầu và hạn chế nhà thầu.

Ông Thượng cũng cho biết, sau khi mở thầu Ban đã tiến hành đánh giá các hồ sơ dự thầu theo đúng các tiêu chí quy định trong HSMT và trình cấp thẩm quyền, WB xem xét, có ý kiến không phản đối đối với kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi tiến hành ký kết hợp đồng triển khai thi công.

Ban Quản lý các dự án ODA Cần Thơ chính thức lên tiếng về những lùm xùm trong dự án cầu Trần Hoàng Na.

Ban Quản lý các dự án ODA Cần Thơ chính thức lên tiếng về những lùm xùm trong dự án cầu Trần Hoàng Na.

Còn đối với vấn đề vật liệu thép được sử dụng cho công trình, theo ông Thượng chỉ yêu cầu chủng loại thép theo tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không quy định sử dụng một nhà sản xuất thép cụ thể.

Việc sử dụng nguồn thép Hyundai là trên cơ sở nhà thầu thi công CIENCO1 đệ trình nguồn vật liệu (theo thư đệ trình ngày 3/12/2020).

Sau khi Ban quản lý các dự án ODA có văn bản chấp thuận, nhà thầu đã nhập 60% khối lượng thép và tiến hành gia công kết cấu. Như vậy, việc chấp thuận nguồn nguồn vật liệu thép cho kết cấu dầm, vòm gói thầu 2.4 là do nhà thầu thi công đề xuất và được sự chấp thuận từ Ban quản lý dự án ODA.

Tuy nhiên, sau gần 11 tháng thực hiện, nhà thầu CIENCO1 có công văn trình bổ sung nguồn vật liệu thép (POSCO - nhà cung cấp Thành Long) để bổ sung nguồn thép Possco cho 40% khối lượng thép còn lại. Sau đó, Ban quản lý các dự án ODA đã có văn bản lấy ý kiến của đơn vị tư vấn thiết kế về thay đổi nguồn thép nêu trên.

Cùng đó, tư vấn thiết kế cũng có văn bản nêu ý kiến: “Kết cấu thép cho toàn bộ phần nhịp vòm được sử dụng từ một nguồn vật liệu thép sẽ đảm bảo tính đồng bộ và thuận lợi trong công tác kiểm soát chất lượng, gia công chế tạo và thi công xây dựng công trình cầu”.

Sau khi xem xét khuyến nghị của tư vấn thiết kế và giám sát, để đảm bảo tính đồng bộ của kết cấu và đảm bảo chất lượng cho công trình cầu Trần Hoàng Na, Ban Quản lý các dự án ODA vẫn chưa đồng thuận với đề xuất của nhà thầu là thay đổi nhà cung cấp khác để sử dụng cho 40% thép dầm vòm còn lại của dự án.

Ngày 16/5/2022 đại diện nhà thầu có công văn về tiến độ triển khai phần kết cấu thép và đề xuất nguồn vật liệu thép cho gói thầu cầu Trần Hoàng Na.

Ngày 19/5/2022, Ban Quản lý các dự án ODA Cần Thơ có tổ chức cuộc họp với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế về giải quyết khó khăn cho nhà thầu đối với 40% thép còn lại.

Trong cuộc họp, Ban Quản lý các dự án ODA đề nghị tư vấn thiết kế xem xét lại và có ý kiến cụ thể về đề xuất của nhà thầu thi công sử dụng nguồn vật liệu thép (POSCO - nhà cung cấp Thành Long) để bổ sung nguồn thép Possco cho 40% khối lượng thép còn lại.

Hiện Ban QLDA đang làm việc với tư vấn thiết kế về nội dung nguồn thép và sẽ có thông báo cụ thể đến báo chí việc sử dụng cho 40% khối lượng thép còn lại.

Trần Lưu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-dau-tu-noi-gi-ve-khuat-tat-tai-du-an-cau-tran-hoang-na-d553454.html