Chủ doanh nghiệp trả lương, cán bộ công đoàn có dám bảo vệ người lao động?

Tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp do chính chủ doanh nghiệp chi trả. Điều này khiến cán bộ công đoàn khó có thể thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động.

Ngày 18.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất.

Đại biểu Thu cho biết, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiện nay đều thành lập công đoàn, và không phải ở đâu có tổ chức công đoàn thì đều được điều kiện hoạt động thuận lợi về thời gian, điều kiện vật chất cũng như ủng hộ tinh thần.

Thêm vào đó, tổ chức công đoàn là một tổ chức hoạt động đại diện vì người lao động, nhưng có tính chất tự nguyện, không phải là tổ chức nằm trong cơ cấu cấu thành của một tổ chức sản xuất.

Do đó, nếu quy định chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc, phải tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thì không phù hợp thực tế.

ĐBQH Trần Thị Khánh Thu phát biểu

ĐBQH Trần Thị Khánh Thu phát biểu

Băn khoăn về việc quy định thời gian lao động của cán bộ công đoàn không chuyên trách mà được hưởng lương, đại biểu Thu cho biết, trên thực tế, chỉ khi chủ doanh nghiệp thấy rằng tổ chức công đoàn có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ, giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả... thì chủ doanh nghiệp mới được tạo điều kiện cho công đoàn.

"Trường hợp này còn hiếm hoi, thực tế rất ít chủ doanh nghiệp chấp nhận, chấp hành quy định này", bà Thu nói.

Do vậy, bà Thu cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đưa ra những quy định khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo luật được đưa vào cuộc sống sau khi có hiệu lực.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết tại các công ty, doanh nghiệp, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động chi trả.

Đại biểu Thông cho rằng, cơ cấu nguồn thu này dẫn đến cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp khó có thể thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.

Theo ông Thông, các tổ chức công đoàn còn thể hiện vai trò rất hạn chế trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

Để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được thực sự vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả.

Theo đại biểu Thông, quy định như vậy sẽ giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) cho biết khoản 2 Điều 8 của dự thảo luật có quy định rằng điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 17 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc thành lập, giải thể tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

Do đó, để đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị quy định cụ thể điều kiện thành lập, giải thể, tổ chức và hoạt động của các công đoàn trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, tại Điều 26, bảo đảm về tổ chức cán bộ, đại biểu đề nghị xem xét có giải pháp quy định về cơ chế quản lý biên chế một cách phù hợp ở trong Luật Công đoàn để đảm bảo tăng tính chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ.

Đại biểu Hạnh đề xuất có thể giao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động đề xuất số lượng cán bộ là cán bộ công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống. Từ đó tạo ra sự đồng bộ trong biên chế, trong hệ thống công đoàn, giúp giảm thiểu sự khác biệt về số lượng biên chế ở những địa phương có cùng điều kiện kinh tế xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của đại biểu quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-doanh-nghiep-tra-luong-can-bo-cong-doan-co-dam-bao-ve-nguoi-lao-dong-218535.html