Chủ động bảo vệ rừng trong mùa khô hanh, lễ hội
Theo rà soát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vào thời điểm tháng 2-2023, toàn tỉnh có hơn 42.300 ha rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa khô hanh, mùa lễ hội. Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết khô hanh, cháy lan từ Lào sang (khu vực huyện Mường Lát là chủ yếu), thì yếu tố chủ quan do con người tác động đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Trong đó, với gần 10.000 ha rừng thông, tập trung chủ yếu ở Như Thanh, thị xã Nghi Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa. Riêng 5.000 ha rừng thông do các chủ rừng Nhà nước quản lý đã được quan tâm phát dọn thực bì và đốt trước vật liệu cháy có kiểm soát dưới tán rừng. Còn lại gần 5.000 ha do UBND các xã quản lý, giao cho các hộ bảo vệ, chăm sóc nhưng do chưa đủ điều kiện khai thác nhựa, không có nguồn thu và không có tiền công chăm sóc, bảo vệ nên các hộ chưa quan tâm phát dọn thực bì dưới tán rừng. Nhiều khu rừng thông lớp thảm thực bì dày 1,3 - 1,5 m; ngoài ra do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài cùng với việc chấp hành các quy định về PCCCR của người dân trong sản xuất và sinh hoạt còn hạn chế sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR trên địa bàn, các cấp, các ngành chức năng, chủ rừng đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; trong đó đã chủ động phát dọn đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng thông khu vực có nguy cơ cháy cao. Kết quả đến đầu tháng 2-2023, toàn tỉnh đã đốt trước vật liệu cháy có điều khiển dưới tán rừng thông được hơn 150,6 ha và làm mới đường băng cản lửa được 3,5 km. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện phương pháp đốt trước vật liệu cháy có điều khiển không những chi phí thấp mà mang lại hiệu quả cao. Qua kiểm tra đánh giá, sau khi đốt trước đã làm giảm từ 70-85% vật liệu cháy, từ đó giảm nguy cơ cháy trong mùa nắng nóng.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ rừng Nhà nước, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác PCCCR; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCCR, tổ chức diễn tập thực hành thành thạo các nội dung chữa cháy rừng theo phương án đã lập để khi xảy ra cháy rừng các địa phương, chủ rừng chủ động chữa cháy kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, chú trọng làm giảm vật liệu cháy bằng phương pháp đốt trước có kiểm soát nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 giờ trong những ngày khô hanh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm nguồn lửa đem vào rừng; kịp thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến các địa phương, đơn vị để chủ động bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Có mặt tại Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh vào ngày đầu tháng 2-2023, đồng chí Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết: Hiện nay, huyện Như Thanh có 37.345,2 ha rừng. Rừng trên địa bàn huyện Như Thanh được Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt là trong mùa khô hanh, mùa lễ hội. Để bảo vệ an toàn diện tích rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu cho chính quyền các cấp trên địa bàn kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; tham mưu rà soát, bổ sung, xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý BVR, phương án PCCCR…
Đặc biệt ở các đền chùa, nơi thờ cúng tâm linh như Phủ Na, Hạt đã tăng cường chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức tuyên truyền và giám sát các hoạt động sử dụng lửa của người dân trong khu vực và khách thập phương. Tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với chủ rừng, người quản lý tại các đền, phủ thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn. Qua đó Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh và chính quyền địa phương đã rà soát được gần 4.550 ha rừng có nguy cơ cháy cao để tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCCCR trong mùa nắng nóng và khô hanh, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
Hạt kiểm lâm đã tham mưu cho huyện Như Thanh triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhằm chủ động BVR như: mua sắm đẩy đủ các trang thiết bị phục vụ PCCCR; xây dựng mới hơn 7 km đường PCCCR tại khu vực các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phượng Nghi; xây dựng đường băng trắng cản lửa tại các xã Thanh Tân, Phượng Nghi… Hướng dẫn cho Nhân dân phát dọn, xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển 8,2 ha; xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án BVR, PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế…
Ngày 3-2, theo chân cán bộ Hạt Kiểm Lâm huyện Như Thanh, chúng tôi đến Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na tại xã Xuân Du. Những ngày tháng Giêng, đông đảo Nhân dân, du khách về tham quan, vãn cảnh, thắp hương, cầu mong năm mới mạnh khỏe, bình an. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm ở chân núi Nưa thuộc xã Xuân Du (Như Thanh). Nơi đây là vùng đất linh thiêng và là nơi Bà Triệu dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Di tích Phủ Na thờ nhiều thần, thánh, nhưng nổi bật là thờ Bà Triệu, Công chúa Liễu Hạnh, Mẫu thượng ngàn. Bao bọc hệ thống đền, điện, miếu thờ là không gian núi rừng với cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Tại khu vực di tích Phủ Na là rừng thông, địa hình đồi núi cao, vật liệu cháy dưới tán rừng là các lớp thực bì dày đặc, khả năng bén lửa cháy nhanh và tốc độ lan tràn đám cháy lớn sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu cháy rừng xảy ra, vì vậy Hạt Kiểm Lâm Như Thanh đã xây dựng phương án chủ động BVR, PCCCR, tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định không sử dụng lửa bừa bãi trong và ngoài khu vực di tích. Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng chức năng gồm Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, Ban quản lý khu di tích Phủ Na đã tăng cường lực lượng, thường xuyên bám, nắm địa bàn, thường trực 24/24 giờ. Hạt Kiểm Lâm Như Thanh giao cho Trạm kiểm lâm Cán Khê phụ trách địa bàn 3 xã Cán Khê, Phượng Nghi, Xuân Du bố trí lực lượng thay ca thường trực trong dịp trước, trong, sau Tết ở khu vực di tích Phủ Na - nơi có lượng người đến du xuân đầu năm lớn, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện quy định khi đi lễ đền.
Anh Trịnh Viết Phúc, quản lý đền Phủ Na cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, khu di tích Phủ Na đón hơn 100.000 lượt du khách. Số lượng người dân và du khách về với Phủ Na đông nên để đảm bảo an ninh trật tự, phòng, cháy chữa cháy nói chung, cháy rừng nói riêng, an toàn thực phẩm…, ban quản lý đền đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân, du khách chấp hành các quy định, đặc biệt phòng cháy chữa cháy rừng trong khu vực di tích. Từ khu vực cổng vào di tích được treo các biển, băng rôn tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng, thường xuyên phát loa giới thiệu di tích, đồng thời tuyên truyền người dân không thắp hương trong đền và không đốt hương, vàng mã, hóa sớ khu vực gần rừng, không lên rừng hái lộc, chặt phá cây...
Ngày 3-2, cô Nguyễn Thị Ngọc, khu phố Toàn Tân, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) cùng gia đình đến tham quan, vãn cảnh và thắp hương tại Phủ Na. Cô cho biết, năm nào gia đình cũng đến Phủ Na vào mỗi dịp đầu xuân để cầu mong sức khỏe, bình an. Được ban quản lý đền và lực lượng chức năng tuyên truyền các quy định khi đến thăm di tích như: không thắp hương trong đền, đốt vàng hương phải đúng nơi quy đinh, vì vậy cô và gia đình nghiêm túc tuân thủ để đảm bảo an toàn cho gia đình và khu di tích.
Ông Lê Đình Chiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết: Hàng năm, đơn vị đã xây dựng phương án, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương có rừng, hạt kiểm lâm đảm bảo trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhất là địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, địa phương có rừng trong khu di tích. Tại di tích Phủ Na, trong dịp Tết đến nay, ban đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo thường xuyên có mặt tại đây nắm bắt tình hình, cùng với trạm bảo vệ rừng Xuân Du phối hợp với ban quản lý di tích tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định tham gia lễ hội, nhất là hóa vàng, hóa sớ đúng quy định, nghiêm cấm không để tàn lửa bay vào rừng. Đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo, người dân, du khách tuân thủ, thực hiện khá nghiêm công tác PCCCR theo quy định của lực lượng chức năng.