Chủ động chặn bệnh liên cầu lợn từ cơ sở
HNN.VN - Trước diễn biến phức tạp của bệnh liên cầu lợn (LCL), nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đang chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch từ cơ sở, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh trong Nhân dân.

Truyền thông về bệnh liên cầu lợn và các giải pháp phòng tránh
Chưa phải dịch chùm
Tận dụng lưu lượng hơn 500 lượt khám/ngày, TTYT Thuận Hóa đã đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến bệnh LCL.
Trung tâm triển khai đa dạng hình thức truyền thông như qua phát thanh tại các phường, xã; tư vấn tại hộ gia đình; truyền thông trực tiếp tại phòng khám, phòng tư vấn sức khỏe; đăng tải thông tin trên website, fanpage Facebook, Zalo... Đáng chú ý, mã QR được sử dụng để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin phòng bệnh LCL và chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng.
ThS. Phan Thị Hiếu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Điều dưỡng - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, TTYT Thuận Hóa cho biết: “Chúng tôi đặt các mã QR ở các hộp thông tin; cán bộ y tế hướng dẫn người dân quét mã để tìm hiểu các biện pháp phòng bệnh LCL".

Bệnh nhân quét mã QR để xem thông tin khuyến cáo về bệnh liên cầu lợn
Anh Nguyễn Đình Thắng, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội - Nhi truyền nhiễm, chia sẻ: “Tôi được bác sĩ hướng dẫn quét mã QR để tìm hiểu về bệnh LCL. Sau đó tôi gửi mã này vào nhóm gia đình để mọi người cùng biết cách phòng tránh. Đây là cách truyền thông khá mới và hiệu quả”.
Sau khi địa bàn xuất hiện hơn 10 ca mắc LCL (trong đó có ca tử vong), TTYT Thuận Hóa đã tái kích hoạt các hoạt động phòng, chống dịch. Đội ngũ y tế triển khai điều tra dịch tễ, xử lý môi trường,chủ động thuốc men và thiết bị y tế.
ThS. BS Nguyễn Hoàng Chung, Giám đốc TTYT Thuận Hóa cho biết: “LCL hiện chưa phải dịch chùm mà là tình trạng tăng đột biến số ca mắc. Trung tâm đã chủ động kích hoạt các đội cơ động phòng dịch từ trung tâm đến các trạm y tế phường, xã. Ngoài ra, khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh hoặc nhập viện nếu phát hiện yếu tố dịch tễ nghi ngờ, cùng với việc chuyển tuyến, trung tâm tiến hành khử khuẩn toàn bộ khuôn viên để tránh nguy cơ lây lan”.
Không chỉ ở khu vực trung tâm thành phố, các TTYT, như: Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền - nơi cách xa tuyến điều trị cuối là Bệnh viện Trung ương Huế cũng chủ động triển khai phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bước đầu đối với bệnh nhân LCL. ThS. BS Lê Viết Cường, Giám đốc TTYT Phú Lộc cho biết, đơn vị đã lên phương án chuẩn bị hạ tầng, vật tư y tế, thuốc men và phối hợp với các cơ quan thú y, quản lý thị trường nhằm ngăn chặn nguồn lây từ thực phẩm không an toàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiêu độc khử trùng các khu vực xuất hiện ca bệnh
Vào cuộc đồng bộ
Cùng với y tế, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã tích cực vào cuộc để phòng chống bệnh LCL. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các trạm khu vực tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, thực hiện tiêu độc khử trùng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, vận chuyển. Đặc biệt, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, lợn bệnh, nghi mắc bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị đã kiểm tra các gia đình có ca bệnh LCL và các hộ lân cận, tuy nhiên đều không phát hiện hộ nào chăn nuôi lợn, không có dấu hiệu lợn bệnh hay chết bất thường. Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm từ việc tiêu thụ thịt lợn không đảm bảo vẫn rất lớn. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục triển khai các đợt kiểm tra lâm sàng, kiểm tra cơ sở giết mổ, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Cùng với đó, công tác truyền thông vẫn được duy trì và đổi mới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong hành động phòng dịch.

Kiểm soát và tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn chưa giết mổ vào thành phố
Theo UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình, sau khi ghi nhận một số ca mắc LCL trên người, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục giám sát dịch tễ tại cơ sở; đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm quy định vệ sinh thú y, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tiêu dùng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Hệ thống y tế và thú y địa phương vẫn đang duy trì chế độ giám sát thường xuyên, sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống phát sinh.
Thành phố kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng đồng thời cần bình tĩnh, không hoang mang. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh bệnh LCL như, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn trước khi sử dụng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, tiết canh lợn....

Ngành y tế tiếp tục xử lý môi trường nhằm ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng
Có thể khẳng định, kiểm soát bệnh LCL không thể chỉ phụ thuộc vào ngành y tế hay thú y, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các ngành chức năng và đặc biệt là ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân. Chỉ khi toàn xã hội cùng hành động, mới có thể giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.