Chủ động chuẩn bị các điều kiện dạy và học chương trình mới lớp 10

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới. Thời điểm này, các trường THPT đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch dạy và học, sắp xếp đội ngũ đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Thiếu giáo viên ở môn học mới

Hiện tỉnh Bắc Giang có 48 trường THPT. Năm học 2022-2023, các trường dự kiến tuyển 18,8 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10. Cùng với học sinh lớp 10 cả nước, các em sẽ học 5 môn bắt buộc, 3 nhóm môn tự chọn, 3 chuyên đề, 2 hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương.

Giờ thực hành môn Hóa học tại Trường THPT Hiệp Hòa số 1.

Giờ thực hành môn Hóa học tại Trường THPT Hiệp Hòa số 1.

Nội dung sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích. Việc phân hóa môn học ngay từ lớp 10 sẽ giúp học trò có kế hoạch học tập phù hợp, đầu tư nhiều thời gian và công sức vào môn thế mạnh.

Ông Ngô Quốc Đường, Trưởng phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Hiện các trường THPT trên toàn tỉnh đã xây dựng các tổ hợp môn học và tổ hợp chuyên đề phù hợp với điều kiện của các trường. Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường sẽ tư vấn, định hướng cho các em chọn tổ hợp môn học”.

Điểm mới của chương trình lớp 10 là học sinh được chọn các môn học theo sở thích dẫn đến nguy cơ thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Bởi sẽ có môn học được quá nhiều học sinh chọn sẽ không đủ giáo viên đứng lớp. Ngược lại, môn ít học sinh chọn, thậm chí không đăng ký sẽ thừa giáo viên.

Trong khi chương trình lớp 10 sẽ có thêm các môn học mới là: Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm. Do lần đầu tiên những môn này được đưa vào chương trình THPT nên các trường đều chưa có giáo viên giảng dạy cũng như phòng học, dụng cụ phục vụ môn học. Thậm chí, đối với môn tự chọn như nghệ thuật, nhiều trường sẽ chưa thể tổ chức giảng dạy.

Năm học tới, Trường THPT Hiệp Hòa 1 dự kiến tuyển khoảng 500 học sinh lớp 10. Hiện nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học cho học sinh lựa chọn dựa trên số lượng giáo viên hiện có. Các tổ hợp được xây dựng theo hướng tập trung vào nhóm bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và thêm các môn tự chọn, công bố trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Ông Dương Mạnh Trí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu phân công 22 thầy, cô giảng dạy lớp 10 trong năm học tới. Số giáo viên này liên tục được bồi dưỡng, nghiên cứu sách giáo khoa mới từ tháng 3 đến 8/2022. Tuy nhiên, nhà trường còn thiếu rất nhiều phòng học chức năng như: Phòng thực hành công nghệ, phòng bộ môn khoa học xã hội, phòng thiết bị giáo dục, phòng tư vấn học đường.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ học môn nghệ thuật như: Nhạc cụ, giá vẽ, bàn ghế cũng chưa có nên năm học tới, trường sẽ chưa tổ chức dạy và học môn này”.

Qua rà soát, hiện nhiều trường chưa có đủ các phòng học và phòng chức năng. Nhiều phòng thực hành bộ môn dùng ghép và dùng chung như: Phòng thực hành Hóa - Sinh; Vật lý - Công nghệ, Văn phòng Đoàn - Tư vấn tuyển sinh. Như Trường THPT Thái Thuận thiếu phòng học tiếng Anh, Trường THPT Tứ Sơn (Lục Nam), THPT Lục Ngạn số 1 chưa đủ phòng học kiên cố.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Để tổ chức dạy và học hiệu quả, ngay từ tháng 4/2022, các nhà trường đã phân công giáo viên dạy lớp 10 cho năm học tới; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ sách giáo khoa mới để giảng dạy hiệu quả.

Cô giáo Trần Thị Quỳnh, giáo viên Sinh học, Trường THPT Lục Nam cho biết: “Chương trình SGK mới đòi hỏi phương pháp, nội dung truyền thụ kiến thức của giáo viên và năng lực cần đạt của học sinh hoàn toàn khác với chương trình hiện hành. Bởi vậy, tôi phải nghiên cứu, thảo luận cùng các thành viên trong tổ bộ môn về từng bài giảng để bảo đảm học sinh hiểu tường tận, thực hành nhuần nhuyễn, biết áp dụng bài học vào thực tiễn cuộc sống”.

Hiện tỉnh Bắc Giang có 48 trường THPT. Năm học 2022-2023, các trường dự kiến tuyển 18,8 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10. Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học 5 môn bắt buộc, 3 nhóm môn tự chọn, 3 chuyên đề, 2 hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương.

Hiện toàn tỉnh đang rà soát lại tổng thể nhân lực ngành Giáo dục để xây dựng phương án điều tiết việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đang thừa giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật bậc tiểu học, THCS. Sở Giáo dục và Đào tạo đang rà soát số giáo viên dạy môn học này có trình độ đại học trở lên sẽ bố trí dạy môn Nghệ thuật ở các trường THPT.

Đối với các môn học khác ở những trường thiếu giáo viên, trong thời gian chờ tuyển dụng mới, Sở sẽ linh hoạt bố trí giáo viên ở các trường có bộ môn này dạy cả ở trường sở tại và dạy tăng cường cho các trường khác. Để giải quyết bài toán nhân lực môn nghệ thuật, Trường THPT Lạng Giang số 1 dự kiến sẽ ký hợp đồng với giáo viên đủ trình độ, năng lực của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để giảng dạy môn học này.

Một số trường trên địa bàn TP Bắc Giang như: THPT Ngô Sĩ Liên, Thái Thuận, Giáp Hải sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP ký hợp đồng với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật có trình độ đại học trở lên ở các trường tiểu học, THCS. Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí, tuyển dụng mới nhân lực bậc THPT với số lượng cao hơn những năm học trước. Trong đó chú trọng đến các bộ môn mới, môn học thiếu giáo viên bảo đảm giảng dạy hiệu quả chương trình mới.

Được biết, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành thiếu giáo viên cho các trường sư phạm trên cả nước và yêu cầu các trường đổi mới nội dung đào tạo, phát triển ngành nghề thuộc nhóm sư phạm đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2022-2023, tỉnh sẽ xây dựng 12 phòng học ở các trường THPT Tứ Sơn, THPT Lục Nam, THPT Lục Ngạn, giai đoạn 2023-2025 xây thêm 5 phòng học tại Trường THPT Lạng Giang số 1.

Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở yêu cầu các trường THPT xây dựng phương án dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ cho một năm học tới mà trong cả giai đoạn, mang tính ổn định, lâu dài, ứng phó linh hoạt với các tình huống mới phát sinh.

Trong đó chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, bảo đảm đủ giáo viên cho từng môn học. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 10. Tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, liên thông, thống nhất giữa các môn học.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/383530/chu-dong-chuan-bi-cac-dieu-kien-day-va-hoc-chuong-trinh-moi-lop-10.html