Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam
Gần đây, trước một số thông tin không chính xác, chưa đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cơ quan chức năng của Việt Nam đã họp báo yêu cầu đính chính thông tin; đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (QCN), trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.
Mặc dù vậy, những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch liên tục thực hiện các video clip “bình luận”, “mổ xẻ”, “ăn theo” xung quanh vấn đề này với giọng điệu xuyên tạc, chống phá thường thấy.
* Nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy QCN
Chiều 11-1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin về cam kết nhân quyền của Việt Nam cho đến năm 2099 đăng trên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết những thông tin này là không chính xác và đã yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đính chính thông tin này.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN, quyền công dân, đồng thời quy định “QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (khoản 2, Điều 14); “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”; “việc thực hiện QCN, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, tại sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vừa được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12-12-2023, Việt Nam cùng các nước khẳng định chủ trương thúc đẩy thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền thông qua cam kết cụ thể. Trong đó, những nội dung cam kết của Việt Nam là cam kết thường xuyên, liên tục, thể hiện nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy QCN, phù hợp với chính sách nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà Phạm Thu Hằng khẳng định đây cũng là cách thể hiện của nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế.
Tiếp đó, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các QCN, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như việc bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm QCN, trong đó có bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong thời gian qua. Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và cần có những đánh giá khách quan dựa trên thông tin chính xác, toàn diện về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam...”.
* Nỗ lực và các kết quả chính của Việt Nam trong hoàn thiện chính sách pháp luật về QCN
Ngày 28-11-2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013 và đến ngày 1-1-2014, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực. Hiến pháp là sự kế thừa và phát triển các chế định QCN, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, thì trong đó dành riêng chương II với 36 điều chế định trực tiếp, quy định các QCN, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo Sổ tay phóng viên về QCN của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT), so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 mở rộng nội dung về quyền, có các điều khoản riêng về QCN như: quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trước pháp luật (Điều 16); không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1, Điều 20); quyền bảo vệ đời tư (Điều 21); quyền tiếp cận thông tin (Điều 25)…
Hiến pháp năm 2013 còn chế định một số quyền mới như: quyền sống (Điều 19), các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41)…
Tiếp đó, từ năm 2014-2020, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới trên 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm QCN, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trong đó có một số luật lần đầu tiên được ban hành để thể chế kịp thời các quy định về QCN, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân…
* Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy QCN đã, đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những thành tựu trong việc bảo đảm và thúc đẩy QCN thực hiện các khuyến nghị UPR (Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát - PV) mà Việt Nam đã chấp thuận trong thời gian qua thể hiện cam kết mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước với con người là mục tiêu, động lực và trọng tâm trong mọi chính sách.
Theo Sổ tay phóng viên về QCN, UPR do Hội đồng Nhân quyền thành lập nhằm định kỳ xem xét 193 nước thành viên LHQ hoàn thành các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền. Đây là cơ chế bắt buộc đòi hỏi không chỉ những quốc gia là thành viên của các công ước quốc tế về QCN, mà là tất cả các quốc gia thành viên của LHQ, phải có nghĩa vụ đệ trình báo cáo kiểm điểm định kỳ về việc thực thi các cam kết quốc tế về QCN.
Trong việc thực hiện QCN theo UPR, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo quốc gia UPR chu kỳ I (năm 2009), chu kỳ II (năm 2014) và chu kỳ III (năm 2019); đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của các quốc gia khác, cũng như tích cực đóng góp ý kiến cho các quốc gia khác về tình hình QCN tại các chu kỳ này.
Tại hội nghị Báo cáo viên trung ương tháng 1-2024 diễn ra vào ngày 10-1 vừa qua, thông tin chuyên đề Tổng quan tình hình thế giới, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước năm 2023; dự báo tình hình thế giới và nhiệm vụ công tác đối ngoại năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Năm nay, Việt Nam tiếp tục thực hiện vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta đã giữ được vai trò điều phối, vai trò ủy viên của Hội đồng Nhân quyền, tổ chức nhiều hoạt động và được các nước đánh giá rất cao”.
Trong tình hình mới, công tác nhân quyền ở Việt Nam đã được Đảng xác định các quan điểm tại Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN theo Hiến pháp năm 2013; đưa các quy định về QCN vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Hai là, đổi mới tư duy, chủ động mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QCN, nhất là thông tin, truyền thông đối ngoại về những thành tựu bảo đảm QCN của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế thừa nhận; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về QCN ở nước ta.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực QCN nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm QCN gắn với nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, cần tăng cường đối thoại để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, QCN; đồng thời, kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn một cách hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, QCN để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.