Chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm vấn nạn giấy tờ giả

Chỉ cần lên mạng xã hội tìm nơi làm giấy tờ giả sẽ xuất hiện hàng ngàn lời quảng cáo 'có cánh' về việc cung cấp các loại giấy tờ giả. Điều này cho thấy tình trạng làm giả các loại giấy tờ đang ngày càng phổ biến và rất tinh vi.

Cơ quan công an thu thập tài liệu, giấy tờ giả tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Nam

Cơ quan công an thu thập tài liệu, giấy tờ giả tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Nam

Hành vi làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là trái pháp luật và bị xử lý nghiêm.

* Vướng vòng lao lý vì liên quan đến giấy tờ giả

Nhận thấy nhu cầu sử dụng giấy tờ giả vẫn còn nên nhiều đối tượng đã làm giả các loại giấy tờ nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự và gây nhiều thiệt hại, làm mất uy tín của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vụ án lớn nhất liên quan đến giấy tờ giả trong năm 2023 là vào tháng 5-2023, lực lượng Công an tỉnh đã triệt xóa một đường dây chuyên móc nối với các bác sĩ, nhân viên y tế của các phòng khám trên địa bàn TP.Biên Hòa để làm giấy khám sức khỏe giả. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 20 bị can để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tang vật thu giữ trong vụ án gồm hơn 130 ngàn giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám; 100 thùng tài liệu, hơn 40 CPU máy vi tính cùng nhiều tang vật liên quan khác. Ngoài ra, các cơ sở này còn làm giả hồ sơ bệnh án để trục lợi hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cũng có những người chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý. Điển hình như mới đây, Viện KSND H.Nhơn Trạch đã truy tố 8 bị can về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 12-2021 đến tháng 2-2022, 8 công nhân tại H.Nhơn Trạch chỉ vì muốn được nghỉ làm công ty nhưng không mất tiền chuyên cần, không mất ngày nghỉ phép năm và được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền nghỉ bệnh nên đã rủ nhau mua giấy nghỉ bệnh bảo hiểm y tế mà không biết hành vi này là vi phạm pháp luật.

Thậm chí, có những đối tượng còn dùng “sổ đỏ” giả, thẻ nhà báo giả… hòng qua mặt cơ quan chức năng. Điển hình như Viện KSND H.Thống Nhất vừa truy tố bị can Nguyễn Phú Hoàng Thùy (47 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cáo trạng xác định, vào ngày 29-3-2023, Thùy điều khiển xe ô tô biển số 52Y-8615 lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quá tốc độ nên bị lực lượng công an dừng phương tiện để kiểm tra. Lúc này, Thùy tự xưng mình là nhà báo và xuất trình giấy phép lái xe hạng B2, thẻ nhà báo mang bút danh Hoàng Thùy trực thuộc một cơ quan truyền hình tại TP.HCM với mong muốn tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu các loại giấy tờ, tổ công tác phát hiện giấy tờ trên có dấu hiệu bị làm giả nên đã bắt giữ Thùy.

* Cẩn trọng với các loại giấy tờ giả

Theo Công an tỉnh, tình trạng mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Đồng Nai đang diễn ra phức tạp và tinh vi. Hành vi tiêu cực này xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân không muốn học, không muốn tốn thời gian nhưng vẫn có giấy tờ hoặc đầy đủ bằng cấp. Mục đích của các đối tượng nhằm ngụy trang, che giấu thân phận, qua mặt cơ quan chức năng hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Thẩm phán ĐINH THỊ KIỀU LƯƠNG, Phó chánh Tòa hình sự, TAND tỉnh cho hay, tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tù lên đến 7 năm và phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.

Hiện nay, thông qua mạng xã hội có thể dễ dàng mua được các loại giấy tờ giả theo nhu cầu với rất nhiều lời rao bán “có cánh” như: “nhận làm giấy tờ giá rẻ, nhận làm bằng cấp giống thật 99%...” với giá rẻ, giao hàng nhanh.

Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến giấy tờ giả; triệt phá các đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn và bắt giữ nhiều đối tượng “núp bóng” tiệm phô tô để làm giả các loại giấy tờ như: các loại bằng cấp, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe…

Tuy nhiên, việc đấu tranh với loại tội phạm này đến tận gốc rễ không dễ. Bởi lẽ, tất cả các giao dịch mua bán giấy tờ giả thường thông qua mạng xã hội và giao hàng qua chuyển phát nhanh, bưu điện nên không gặp trực tiếp. Do đó, công tác điều tra, xác minh thường mất nhiều thời gian và khó phát hiện được nguồn gốc của các loại giấy tờ giả.

Thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh cho hay, việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả gây ra nhiều hậu quả cho xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân, làm mất niềm tin của nhân dân vào các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt nhất là từ những giấy tờ giả, nhiều đối tượng có thể lợi dụng để hành nghề mà không có đủ trình độ, chuyên môn thì rất nguy hiểm cho xã hội. Do đó, thời gian qua, ngành Tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm về làm giả giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để răn đe và phòng ngừa chung.

Để ngăn chặn giấy tờ giả xuất hiện tràn lan, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chú ý tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả tránh “tiền mất tật mang”, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Mỗi người cũng cần thận trọng trong xác thực các loại giấy tờ khi mua bán, vay mượn, tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả thì cần trình báo cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202401/chu-dong-dau-tranh-xu-ly-nghiem-van-nan-giay-to-gia-a5f5050/