Chủ động điều hành để tránh 'lương chưa tăng, giá đã tăng'

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra chiều 18/6, nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị giải đáp thấu đáo.

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường

Vấn đề được báo chí đề cập là lo ngại “lương chưa tăng, giá đã tăng”, do từ ngày 1/7 tới sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Giải đáp, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4,03%, nằm trong mục tiêu Quốc hội cho phép (4-4,5%).

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo vào tuần trước, Bộ Tài chính cũng xem xét bối cảnh, chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đồng thời đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện trong nửa năm cuối.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá. Ảnh: Đức Minh.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá. Ảnh: Đức Minh.

Bên cạnh đó, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.

"Với sự chủ động của Bộ Tài chính cũng như các bộ ngành, chúng tôi kỳ vọng việc cải cách tiền lương sẽ không ảnh hưởng đến tăng giá cuối năm" - bà Nhung nói.

Chia nhỏ bất động sản thành chứng khoán là một mô hình khá rủi ro

Thời gian qua, thị trường xuất hiện mô hình đầu tư bất động sản mới là hợp tác với công ty chứng khoán mua - bán bất động sản chia nhỏ kiểu cổ phần với vốn chỉ từ 10.000 đồng. Một số phóng viên hỏi về quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Đức Minh.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Đức Minh.

"Việc cung cấp các dịch vụ của công ty chứng khoán phải nằm trong ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, cho phép và giám sát. Nếu không có thì phải dừng lại. Kèm theo đó cần phải có đánh giá toàn diện việc này. Từ đó, báo cáo Bộ Tài chính xem xét báo cáo các cấp có thẩm quyền để có phương thức quản lý phù hợp" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Giải đáp, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, pháp luật về chứng khoán hiện nay chưa xác định được loại hình chia nhỏ bất động sản thành chứng khoán.

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng theo dõi sự việc này và có đánh giá đây là một mô hình khá nhiều rủi ro.

Ở một số nước trên thế giới đã có quy định liên quan đến việc kiểm soát, hạn chế rủi ro cho loại giao dịch này, song ở Việt Nam thì chưa có quy định.

"Với chức năng quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi nhận được phản ánh về sự việc công ty chứng khoán đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản bán những chứng chỉ này, chúng tôi đã mời công ty chứng khoán lên làm việc và yêu cầu dừng ngay việc phân phối các chứng chỉ này" - ông Hải nói.

Tiếp lời đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu thêm, hiện nay, đúng là pháp luật chưa có quy định nào liên quan đến những giao dịch này. Tuy nhiên, đứng trên góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải giám sát chặt chẽ các hoạt động của các công ty chứng khoán./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-dieu-hanh-de-tranh-luong-chua-tang-gia-da-tang-153232.html