Phụ huynh thông thái trong mê cung chọn ngành học cùng con

Thay vì áp đặt, chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh nên đồng hành, cùng lắng nghe, cùng trải nghiệm để có thể định hướng ngành học phù hợp nhất cho con.

Thương con sai cách

Khi học sinh lớp 12 hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT là lúc các em và gia đình bước vào giai đoạn quan trọng không kém: chọn ngành học, chọn trường, đặt những nguyện vọng đầu tiên cho tương lai. Ở giai đoạn này, nhiều học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí xung đột với chính cha mẹ mình.

Chia sẻ trong podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 2 do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM (UTH) thực hiện, tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết ông đang nhận rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ các phụ huynh lẫn học sinh vừa thi tốt nghiệp xong. Đó là những băn khoăn về ngành học, trường học nhưng ẩn sau còn là lo âu, mâu thuẫn và những cuộc “đấu tranh” giữa cha mẹ và con cái quanh việc chọn nghề.

 Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ trong podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 2 do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM (UTH) thực hiện.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ trong podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 2 do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM (UTH) thực hiện.

Một học sinh từng tìm đến vị tiến sĩ tâm lý này tâm sự rằng em rất yêu động vật và muốn học ngành bác sĩ thú y, nhưng cha mẹ phản đối kịch liệt vì cho rằng đây là “nghề phục vụ chó mèo, không có tương lai”. Gia đình muốn em theo ngành y đa khoa hoặc sư phạm để có vị trí ổn định, dễ xin việc. Cảm giác bị phủ nhận đam mê và không được lắng nghe khiến em rơi vào trạng thái mất phương hướng, không còn muốn chia sẻ với gia đình.

“Tình huống này không hiếm gặp, đặc biệt trong những ngày học sinh bắt đầu điều chỉnh, sắp xếp lại nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi và kỳ vọng của người thân”, tiến sĩ Hòa An nói.

Theo vị chuyên gia tâm lý này, một trong những áp lực lớn nhất với học sinh đến từ chính tình thương sai cách của phụ huynh. Nhiều cha mẹ mang theo kỳ vọng rất cao nhưng đôi khi lại trở thành gánh nặng nếu không đặt trong bối cảnh thực tế của con.

Một số phụ huynh ép con đi theo ngành mà họ tin là “an toàn” hoặc “có đầu ra việc làm”, dù không hề tìm hiểu xem con có phù hợp hay yêu thích ngành đó hay không. Lại có những người áp đặt ước mơ còn dang dở của bản thân lên con, như cách tìm kiếm sự “hoàn thành” gián tiếp.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An

Một số phụ huynh ép con đi theo ngành mà họ tin là “an toàn” hoặc “có đầu ra việc làm”, dù không hề tìm hiểu xem con có phù hợp hay yêu thích ngành đó hay không. Lại có những người áp đặt ước mơ còn dang dở của bản thân lên con, như cách tìm kiếm sự “hoàn thành” gián tiếp. Học sinh bị đem ra so sánh với “con nhà người ta”, với những tiêu chí thành công sẵn có mà không được tạo điều kiện để khám phá bản thân và thể hiện chính kiến.

Để con làm theo lựa chọn của mình, phụ huynh đưa ra lý do “gia đình sẽ không lo học phí nếu con không học theo định hướng”. Điều này khiến học sinh cảm thấy không được lựa chọn cuộc sống của mình, mất đi sự chủ động trong chính tương lai của bản thân.

Không chỉ từ phía cha mẹ, bản thân học sinh cũng phải đối mặt với áp lực rất lớn từ xã hội và môi trường xung quanh. Nhiều em tự tạo áp lực phải đậu vào trường top, chọn ngành “hot”, dễ kiếm tiền mà chưa thật sự hiểu bản thân muốn gì, giỏi gì. Việc chọn ngành theo phong trào hoặc theo bạn bè có thể dẫn đến sự lệch hướng sau này.

Tiến sĩ Hòa An cảnh báo việc chọn ngành không phù hợp với năng lực và đam mê dễ khiến học sinh học trong tâm thế “trả bài cho cha mẹ”, học để lấy tấm bằng chứ không xuất phát từ sự say mê. Kết quả là lãng phí thời gian, tiền bạc và cả động lực của người trẻ trong những năm tháng đáng lẽ họ nên phát triển tốt nhất.

Chọn ngành giống như chọn người yêu

Trước những tình huống này, Tiến sĩ Hòa An đưa ra một số gợi ý để phụ huynh có thể đồng hành cùng con một cách thông minh, giảm thiểu mâu thuẫn và giúp con tự tin lựa chọn con đường phù hợp.

Điều đầu tiên cần làm là quan sát và nhận diện cảm xúc của con. Nếu thấy con bỗng trở nên im lặng, tránh giao tiếp, hay có biểu hiện lo âu, căng thẳng thì rất có thể con đang chịu áp lực trong việc lựa chọn tương lai. Thay vì tra hỏi, cha mẹ nên tạo không gian trò chuyện cởi mở để con cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng.

Một công cụ hữu ích mà tiến sĩ Hòa An khuyến nghị là cùng con làm các bài trắc nghiệm khoa học về tính cách, sở thích nghề nghiệp như MBTI hoặc John Holland. Kết quả sẽ giúp cả phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về xu hướng cá nhân, từ đó đưa ra lựa chọn có căn cứ thay vì cảm tính.

 Toàn cảnh podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 2

Toàn cảnh podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 2

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần có cái nhìn linh hoạt về khái niệm “ngành đúng” và “ngành gần”. Một công việc cụ thể có thể được đảm nhiệm bởi người học từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Do đó, khi đặt nguyện vọng, học sinh nên ưu tiên những ngành đúng trước, sau đó là những ngành gần vẫn có thể dẫn đến công việc mơ ước.

Tiến sĩ Hòa An cũng nhấn mạnh rằng việc chọn “sai” ngành không phải là thất bại. Trong kỷ nguyên học tập suốt đời, người học hoàn toàn có thể bổ sung kỹ năng, chuyển hướng nghề nghiệp thông qua các khóa học ngắn hạn, học trực tuyến hoặc học liên thông.

Đặc biệt, ông khuyến khích học sinh chủ động chia sẻ với cha mẹ về những ngành học mới, những xu hướng mà phụ huynh có thể chưa kịp cập nhật như trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, logistics hay kinh tế số. Tuy nhiên, việc chia sẻ cần đúng thời điểm, đúng cách. Không nên nói khi cha mẹ đang nóng giận hoặc áp lực. Học sinh cũng cần học cách trình bày vấn đề rõ ràng, có dẫn chứng, có nghiên cứu để cha mẹ tin tưởng và đồng thuận.

“Việc chọn ngành cũng giống như chọn người yêu, cần có sự tìm hiểu từ cả hai phía. Nếu phụ huynh giữ vai trò người áp đặt, học sinh sẽ chống đối hoặc im lặng. Nhưng nếu cha mẹ trở thành người đồng hành, cùng lắng nghe, cùng trải nghiệm thì con sẽ cảm thấy được tôn trọng và có trách nhiệm hơn với lựa chọn của chính mình”, tiến sĩ Hòa An khuyến cáo.

Anh Nhàn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phu-huynh-thong-thai-trong-me-cung-chon-nganh-hoc-cung-con-post1759834.tpo