Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

Chuyên gia Đức trao đổi kỹ năng nghề với giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung trong việc giảng dạy nghề Cắt gọt kim loại theo chương trình chuyển giao của Đức. Ảnh: THÚY HẰNG

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Mở rộng hợp tác quốc tế

Còn nhớ vào ngày 11/9/2019, đoàn công tác của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam do ngài Đại sứ Antonio Alessandro làm trưởng đoàn đã đến thăm Phú Yên nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, kinh tế… Trường đại học Xây dựng Miền Trung (MUCE) đã tổ chức thành công chương trình tọa đàm “Cơ hội hợp tác GD-ĐT giữa Ý với Phú Yên”. Trên cơ sở ký kết hợp tác này, thời gian qua, MUCE đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Ý. PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng MUCE (cựu du học sinh Ý) chia sẻ: Với nền giáo dục chất lượng cao, thời gian qua, Ý đã tạo điều kiện, hỗ trợ nhà trường rất nhiều về lĩnh vực thiết kế, kiến trúc. Cụ thể nhất là vào ngày 5/11/2020, được sự thống nhất của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, MUCE đã tham gia hội thảo trực tuyến chào mừng sự kiện Ngày thiết kế Ý 2020 (Ýn Design Day 5/11/1920-5/11/2020) cùng nhiều khách mời của các trường đại học khác. Với chủ đề “Vẽ nên tương lai - Phát triển, Đổi mới, Bền vững, Vẻ đẹp”, hội thảo đã giúp các kiến trúc sư nắm được các nghiên cứu, xu hướng mới trong kiến trúc, quy hoạch trong điều kiện hiện tại của Việt Nam và quốc tế.

Ngoài ra, để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng như trong học tập kinh nghiệm thực tế từ những thành công của các nước, thời gian qua, MUCE đã tham gia nhiều chương trình hội thảo quốc tế của Viện Khoa học công nghệ quốc gia Nhật Bản, hội thảo ICBMC 2019 được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore về kỹ thuật vật liệu xây dựng, nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp có dịp gặp nhau, trao đổi những vấn đề nghiên cứu mới. Các nghiên cứu sinh có dịp trình bày nghiên cứu của mình để học hỏi, tìm ra hướng đi đúng…

Tương tự, thời gian qua, Trường đại học Phú Yên cũng tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế của trường này cho hay, nhà trường đã cử 10 giảng viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học ở các nước: Hoa Kỳ, Thái Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Úc, Malaysia. Nhằm mở rộng hoạt động liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường đã ký kết với các trường đại học trong khu vực như: Khoa Giáo dục học của Trường đại học Công nghệ Malaysia (UTM), Trường đại học Băng Cốc (Thái Lan). Cho đến nay, nhà trường đã đưa nhiều đoàn sinh viên chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ Anh đi thực tế tại Trường đại học Công nghệ Malaysia (UTM); đồng thời phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo khoa học thực hiện tại Trường đại học Phú Yên.

Ở khối trường cao đẳng, hoạt động hợp tác quốc tế vốn không phải thế mạnh nhưng gần đây, ngày càng khởi sắc. Tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, trong năm học 2020-2021, nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo với AHK - Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam về triển khai tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp; hợp tác với Trường đại học DongJu (Hàn Quốc) về đào tạo ngành Chăm sóc sắc đẹp và tiếng Hàn; tư vấn và hỗ trợ tư vấn chương trình việc làm tại Nhật Bản thông qua Công ty AKANE...

Đối với Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, để tìm kiếm cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp và cho sự phát triển lâu dài, bền vững của trường, những năm gần đây, nhà trường cũng đã đẩy mạnh hợp tác với các trường cao đẳng cộng đồng Thái Lan, Lào; nhất là giữ mối quan hệ với các tổ chức, các trung tâm để đưa học sinh, sinh viên học tập và làm việc ở Nhật Bản.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của KH-CN, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, việc mở rộng hợp tác quốc tế vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Do đó, các trường không chỉ đổi mới mạnh mẽ để đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế luôn được các trường đặc biệt quan tâm.

Tại lễ khai giảng của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ luôn lưu ý các trường trong việc mở rộng liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế. “Hợp tác quốc tế trong GD-ĐT là một phương cách hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm đào tạo nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, có đủ khả năng đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó cần chú trọng đào tạo nhân lực KH-CN trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thực hiện hiệu quả công tác này, các trường phải chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, mới có thể hợp tác song phương với đối tác quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Mới đây, tại chương trình tọa đàm “Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, một giải pháp mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng đến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới (đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực cho nhà giáo…); đào tạo ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ. Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trước áp lực cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo. Theo đó, sự hỗ trợ, hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam là rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương chia sẻ: “Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứu sinh ở nước ngoài trở về trường phục vụ. Họ là “cầu nối” mang dự án, đề án hợp tác quốc tế về trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường”.

Thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng tiếp tục củng cố các mối quan hệ hiện có, nghiên cứu triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết với các đơn vị nước ngoài; mở rộng hợp tác với các đối tác mới… tạo nền tảng, nâng cao vị thế của nhà trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hợp tác quốc tế trong GD-ĐT là một phương cách hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm đào tạo nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, có đủ khả năng đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó cần chú trọng đào tạo nhân lực KH-CN trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/268237/chu-dong-hoi-nhap-va-nang-cao-hieu-qua-hop-tac-quoc-te.html