Chủ động, lấy phòng hơn chống cháy...

Chỉ 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 1.927 vụ cháy (trong đó, 1.843 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông, 84 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: làm chết 59 người, bị thương 64 người, thiệt hại về tài sản khoảng 654,94 tỷ đồng và 408 ha rừng.

Trong đó, có 27 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 8 người, bị thương 3 người, thiệt hại về tài sản khoảng 275,7 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 2.218 vụ CNCH, gồm 1.689 vụ trong đám cháy; 263 vụ dưới nước; 80 vụ phương tiện giao thông; 35 vụ sập đổ công trình; 20 vụ hang hầm, giếng sâu; 35 vụ trên cao; 96 vụ sự cố, tai nạn khác. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 254 người...

Có thể thấy, phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh việc quy định quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là văn bản quan trọng đầu tiên, là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với công tác PCCC. Pháp lệnh nêu rõ: "Phòng cháy chữa cháy là để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng tài sản của nhân dân; bảo vệ sản xuất với an ninh trật tự; đồng thời cũng khẳng định công tác PCCC là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội". Đáng chú ý, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg xác định hàng năm lấy ngày 4-10 là "Ngày Phòng cháy chữa cháy toàn dân".

Luận ra, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng, đề xuất và được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2001. Điều 5 Luật này quy định về trách nhiệm PCCC nhấn mạnh: "Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra PCCC trong phạm vi trách nhiệm của mình.Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy".

Để hạn chế hậu quả đáng tiếc do xảy cháy, mỗi người cần có ý thức, chủ động, lấy phòng hơn chống cháy.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chu-dong-lay-phong-hon-chong-chay-164120.html