Chủ động, linh hoạt, bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật

Những năm qua, ngành hậu cần, kỹ thuật Quân đội đã nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, đột phá vào nhiều chương trình, đề án trọng điểm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị toàn quân.

Bước chuyển từ đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần

Theo dõi bước phát triển của ngành hậu cần Quân đội (HCQĐ) những năm gần đây, có thể thấy, một trong những thành tựu, dấu ấn đặc biệt, đó là toàn ngành đã quyết liệt, tích cực đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với cơ chế quản lý tài chính và điều kiện mới. Từ bảo đảm bằng hiện vật là chủ yếu, ngành hậu cần đã chuyển sang thực hiện bảo đảm bằng tiền, giúp đơn vị khai thác nguồn vật chất tại chỗ kết hợp với bảo đảm bằng hiện vật theo phân cấp.

Qua đó, vừa rút giảm được tổ chức biên chế, tiết kiệm ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng, công sức bảo quản, vừa giảm chi phí vận chuyển; giúp hậu cần các đơn vị phát huy được nguồn lực tại chỗ, tạo cơ sở để xây dựng thế trận, chuẩn bị tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ. Nhờ sự đổi mới này, các đơn vị đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của hậu cần các cấp; xóa bỏ tư tưởng “lĩnh trên, cấp dưới”, trông chờ, ỷ lại vào trên...

 Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện tại Kho KT788, Cục Kỹ thuật Binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật). Ảnh: HIỂU DƯƠNG

Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện tại Kho KT788, Cục Kỹ thuật Binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật). Ảnh: HIỂU DƯƠNG

Ngành HCQĐ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác bảo đảm, thu được những kết quả toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành các chương trình, mục tiêu lớn; củng cố, xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần của nền quốc phòng toàn dân, hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ. Toàn ngành đã bảo đảm tốt hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; tham gia thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, giúp các địa phương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tiêu biểu là, thu lãi từ tăng gia sản xuất, chế biến và dịch vụ hậu cần bình quân hơn 1,37 triệu đồng/người/năm; giá sản phẩm tăng gia nhập bếp thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm 7-22%; tỷ lệ quân số khỏe toàn quân đạt gần 99,2%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch; 100% quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại được phê duyệt trước khi trình phê duyệt dự án...

Thời gian tới, ngành HCQĐ xác định tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với điều kiện mới của đất nước; khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hậu cần, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, giữ ổn định và cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội. Cùng với đó, tích cực nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược phát triển trang bị hậu cần đồng bộ với sự phát triển lực lượng của Quân đội; xây dựng lực lượng hậu cần tinh, gọn, mạnh; có lực lượng dự bị động viên hợp lý, chất lượng cao, sẵn sàng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đột phá vào các đề án, dự án ngành kỹ thuật

Cùng với ngành HCQĐ, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn khó khăn, Tổng cục Kỹ thuật đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân tổ chức sửa chữa, nâng cấp, tăng hạn, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật (TBKT).

Đặc biệt, Tổng cục đã tham mưu, đề xuất với trên triển khai nhiều đề án, dự án, chương trình, kế hoạch công tác kỹ thuật, đạt được hiệu quả thiết thực. Hệ thống kho tàng toàn quân từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng chính quy, thống nhất. Đến nay, cơ bản các kho cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống cơ sở sửa chữa TBKT chính quy, thống nhất, bảo đảm sửa chữa được các loại TBKT ở cả 3 miền...

Tổng cục Kỹ thuật còn quan tâm đầu tư chiều sâu công nghệ cho các nhà máy, trạm xưởng sửa chữa; từng bước hình thành một số dây chuyền công nghệ hiện đại; tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất TBKT có trong biên chế; cải tiến, hiện đại hóa, khai thác, làm chủ TBKT mới, hiện đại.

Phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, thời gian tới, ngành kỹ thuật Quân đội tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động tham mưu làm tốt công tác sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa TBKT; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật; xây dựng lực lượng bảo đảm kỹ thuật các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm và chương trình, kế hoạch sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, TBKT; chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác kỹ thuật theo hướng cơ bản, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-linh-hoat-bao-dam-tot-cong-tac-hau-can-ky-thuat-808219