Chủ động phân cấp, phân quyền

Chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương là việc cần đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.

Phân cấp, phân quyền một cách khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền.

Phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý cũng là cơ sở để chính quyền địa phương thực hiện tốt vai trò "kép": Vừa là cơ quan thực hiện chính sách, chủ trương do chính quyền cấp trên ban hành; vừa là cơ quan trực tiếp giải quyết các công việc riêng, có tính đặc thù của địa phương. Việc này còn góp phần bảo đảm thực hiện thông suốt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Những năm gần đây, TP HCM đã được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để tự quyết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Thực tế cho thấy việc được phân cấp, phân quyền đã giúp TP HCM đạt nhiều kết quả tích cực.

Với khối lượng công việc, dự án rất lớn đã và đang triển khai nhằm giải bài toán giao thông bức bách ở đô thị, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, TP HCM tiếp tục chủ động phân cấp, phân quyền cho quận - huyện để bảo đảm tiến độ các công trình. Cụ thể, năm 2024, TP HCM đã chủ động phân cấp cho quận - huyện được phê duyệt các dự án nhóm B, C và đạt hiệu quả rõ rệt, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng tiến triển hơn.

9 tháng đầu năm 2024, TP HCM giải ngân vốn đầu tư công khoảng trên 15.800 tỉ đồng, chỉ đạt 20% kế hoạch được giao. Chính quyền thành phố cùng các sở, ngành đã đánh giá, nhìn nhận nguyên nhân giải ngân vốn công còn rất thấp so với mục tiêu đề ra. Vậy giai đoạn tới, nhất là từ nay đến cuối năm 2024, TP HCM cần làm gì để khắc phục những nguyên nhân ấy, để việc giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc?

Chúng tôi cho rằng TP HCM cần tiếp tục phân cấp cho quận - huyện làm chủ đầu tư một số dự án vốn đầu tư công để tăng hiệu quả giải ngân, nhất là dự án giao thông. Thậm chí, các dự án liên quan nông nghiệp, nông thôn hay các công trình đô thị ở phường - xã có quy mô dưới 10 tỉ đồng thì nên giao phường - xã làm chủ đầu tư, thay vì ban quản lý ở quận - huyện như hiện nay. Quận - huyện phân cấp cho phường - xã quyết định một số công việc sẽ giúp giảm tải hành chính trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài nguyên - môi trường, quy hoạch... Thực tế, nhiều dự án trọng điểm đi qua địa bàn quận - huyện khiến khối lượng công việc tại các ban bồi thường giải phóng mặt bằng quá tải.

Ngoài ra, TP HCM cũng nên thiết lập thêm một số ban quản lý có tính chất chuyên ngành, lĩnh vực để phân chia công việc trong các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ, góp phần giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hơn. Hiện nay, một số "siêu ban" quản lý hơn 700 dự án thì việc quá tải là không thể tránh khỏi. Việc lập thêm ban quản lý cần tính toán sao cho không làm tăng biên chế, với mục tiêu trên hết là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong quá trình xây dựng hạ tầng chung của thành phố.

TS PHẠM VIẾT THUẬN, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên - Môi trường TP HCM

(Dẫn nguồn NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-dong-phan-cap-phan-quyen-post298654.html