Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Tính đến ngày 10-10, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 13 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tỉnh Bình Dương ghi nhận 2 ca. Tại Khánh Hòa, tuy chưa ghi nhận ca mắc nhưng ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

- Theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế ban hành, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh… Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 6 ngày, có thể dao động từ 5 đến 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh; các triệu chứng thường thấy: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể, như: Bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 đến 3 tuần.

- Tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP. Nha Trang nói riêng có nhiều khách đến du lịch. Bác sĩ có thể cho biết nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ tại tỉnh?

- Qua nghiên cứu của các nhà khoa học về bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, sự lây lan của vi rút đậu mùa khỉ qua dịch tiết đường hô hấp là không phổ biến. Chúng có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ xát với mụn nước người đang mắc bệnh. Các chuyên gia cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, với tình hình số ca mắc ở khu vực phía nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dự phòng, như: Xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ; đẩy mạnh công tác truyền thông; có kịch bản kiểm soát, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (nếu có ca mắc) ra cộng đồng; phối hợp giám sát tốt các cửa khẩu, sân bay, bến tàu…

- Số ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận liên tục ở khu vực phía nam, vì vậy, nhiều người dân rất lo lắng. Bác sĩ có thể cho biết, bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm đến tính mạng không?

- Về cơ bản, đậu mùa khỉ là bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, độc lực của bệnh không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi; người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng. Bệnh chỉ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch, như: Xơ gan, đái tháo đường, AIDS, trẻ sơ sinh… Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng gồm nhiễm trùng da, mắt (có thể mất thị giác), viêm phổi, lú lẫn. Có khoảng từ 3 đến 6% ca bệnh được báo cáo đã tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây. Trên thế giới, đã có một số loại vắc xin mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên chưa được phổ biến rộng rãi. Người dân không nên hoang mang, lo lắng.

- Để phòng tránh bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp gì, thưa bác sĩ?

- Bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khi về cần khai báo y tế; đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

- Xin cảm ơn ông!

THẢO LY (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/chu-dong-phong-chong-benh-dau-mua-khi-6ef04df/