Chủ động phòng, chống bệnh sởi
Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh với triệu chứng phổ biến là những vết phát ban trên da kèm theo sốt, đỏ mắt, chảy nước mũi... Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc người lớn chưa được tiêm phòng hoặc có tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ.BỆNH DỄ LÂY LAN
Sởi là bệnh gây ra do vi rút nên rất dễ lây lan trong cộng đồng và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy ít có nguy cơ gây tử vong nhưng sởi là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô, loét giác mạc mắt,; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Tiêm vắc xin đủ mũi là giải pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 42.500 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 4.000 trường hợp dương tính với sởi và đã có 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tuần 10 năm 2025, tỉnh Tiền Giang có số trường hợp sốt ban nghi sởi xếp thứ 14/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, tính từ đầu năm đến hết tuần 11 năm 2025, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 738 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, phân bố tại toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh. Trong khi vào thời điểm này của năm 2024, Tiền Giang không ghi nhận ca mắc sởi nào. Hiện tại số ca mắc vẫn tiếp tục xuất hiện hàng tuần, với trung bình 64 ca/tuần trong 4 tuần gần đây.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Tuyết Trang, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng và Côn trùng, CDC Tiền Giang cho biết, kết quả điều tra tiền sử tiêm chủng của bệnh nhân cho thấy, 63,6% trường hợp mắc bệnh là người chưa được tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi; 23,8% chưa được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định và 8,1% chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Trong số các trường hợp mắc bệnh sởi, nhóm trẻ em từ 1 đến 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, với 27,6%.
Tuy nhiên, trong các tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng dịch chuyển sang nhóm trẻ lớn và người từ 16 tuổi trở lên, con số này chiếm đến 22,4%. Ngoài ra, nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi cũng ghi nhận tỷ lệ mắc đáng kể, chiếm 13,7%”.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ BAO PHỦ VẮC XIN
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc khi bệnh nhân hắt hơi, ho... Hiện nay, phương pháp phòng bệnh an toàn và có độ hiệu quả cao là tiêm vắc xin; đồng thời cơ quan chức năng cần chủ động phát hiện sớm ổ dịch để ngăn chặn dịch bùng phát. Nhiều năm nay, vắc xin sởi được tiêm miễn phí cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thông tin từ Cục trưởng Cục phòng bệnh (Bộ Y tế) tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch sởi, trong hai năm đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, cùng với thời gian qua thiếu vắc xin sởi - rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp.
Tại Tiền Giang, đến thời điểm hiện tại, số trường hợp sốt phát ban nghi sởi và số ca dương tính với sởi đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bệnh chưa bùng phát thành dịch lớn; 100% các ổ dịch đều được kiểm soát.
Để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và Sở Y tế cũng ban hành kế hoạch phòng, chống dịch sởi trên địa bàn.
Gần nhất là vào trung tuần tháng 3 này, UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi, đảm bảo bám sát tình hình thực tế trên địa bàn quản lý”.
Trong khi bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12 - 18 người khác. Trong khi đó, bệnh sởi chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch trong cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Từ thực tế diễn biến dịch sởi trên cả nước, ngày 15-3-2025, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công điện 23 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, để tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi đến các tỉnh, thành phố và bộ, ngành Trung ương.
Bộ Y tế phê duyệt triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2 tại 54 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm bù mũi cho trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi tại các Quyết định 906 và Quyết định 909 ngày 18-3-2025.
Theo đó, trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi. Trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi.
Trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi thì được tiêm bù mũi (sử dụng vắc xin chứa thành phần sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025).
Bộ Y tế đã kịp thời huy động, tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin phòng bệnh sởi do Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam tài trợ. Ngày 18-3, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận, phân bổ toàn bộ số vắc xin này cho các địa phương trên cả nước.
Đồng thời, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng bù mũi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai và bảo đảm kết thúc việc tiêm chủng chậm nhất trong ngày 31-3-2025.
Như vậy, Bộ Y tế đã chủ động bố trí đủ, kịp thời vắc xin phòng sởi tới các địa phương trên toàn quốc. Ngày 19-3, Bộ Y tế đã có Công văn 1572 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi tại địa phương; đồng thời, ban hành Quyết định 915 thành lập 6 Đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi trên toàn quốc.
Bác sĩ Huỳnh Tuyết Trang cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, năm 2024 tỉnh đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi và đối tượng nguy cơ cao tại tỉnh, đạt tỷ lệ 93,2%.
Theo kế hoạch thì trong năm 2025 này, tỉnh tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai tiêm đồng loạt trên 11/11 huyện, thị xã, thành phố tỷ lệ ban đầu, hiện đạt hơn 70%; giai đoạn 2 tiếp tục tiêm vét cho các đối tượng hoãn tiêm trong giai đoạn 1 và các đối tượng đủ 6 tháng tuổi đến thời điểm triển khai tiêm.
Ngoài ra, CDC tỉnh cũng triển khai các công tác phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh sởi trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng, trường học và khu công nghiệp; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.
Song song đó, phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi tại trường học, chuẩn bị tốt công tác vệ sinh trường học, đáp ứng công tác phòng, chống dịch khi có ca bệnh; thực hiện theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Ngành Y tế cũng tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục rà soát tiền sử tiêm vắc xin sởi và sởi - rubella trên phần mềm và cộng đồng, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch sởi như trường học, nhà trẻ tự phát, nhà trọ, nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi... và nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp, không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ vắc xin sởi.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và các khuyến cáo nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh sởi nói riêng; hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh: Hạn chế nơi đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng, các khu vực tập trung đông người…
CDC tỉnh cũng đã rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch sởi tại địa phương.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202503/chu-dong-phong-chong-benh-soi-1038284/