Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Sau gần 1 năm tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò, đến nay, khả năng bảo hộ của vắc xin đang giảm dần, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan trở lại là rất lớn. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn trâu, bò.

 Tiêm phòng vắc xin là giải pháp hữu hiệu để khống chế bệnh VDNC trên đàn trâu, bò - Ảnh: L.A

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp hữu hiệu để khống chế bệnh VDNC trên đàn trâu, bò - Ảnh: L.A

Trước nguy cơ bệnh VDNC xuất hiện trở lại, thời điểm này, huyện Hải Lăng đang tập trung triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin VDNC với mục tiêu đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho biết, căn cứ tổng đàn trâu, bò và số lượng vắc xin đăng ký của các địa phương, dự kiến số lượng vắc xin VDNC sử dụng là 4.400 liều.

Hiện tại, đã triển khai tiêm phòng được trên 800 liều. Theo ông Lượng, để đảm bảo tiến độ tiêm phòng, Trạm CN&TY đã phối hợp với các địa phương căn cứ vào số lượng trâu, bò và tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch tiêm phòng phù hợp, đảm bảo tiêm phòng theo đúng lịch, không tiêm phòng dàn trải, kéo dài; hạn chế tối đa lượng vắc xin dư thừa. Thành lập các tổ tiêm phòng bao gồm nhân viên thú y, nhân viên khuyến nông, trưởng thôn, thú y đang hành nghề tại địa phương...

Đồng thời, thông báo đến các hộ chăn nuôi nếu không chấp hành việc tiêm phòng mà để xảy ra dịch, vật nuôi bị chết buộc phải tiêu hủy thì sẽ không được hỗ trợ theo quy định. “Cùng với việc tiêm phòng vắc xin VDNC, lực lượng thú y còn triển khai vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại; phun thuốc diệt các loại côn trùng hút máu như ruồi, muỗi, ve, mòng... tại các hộ chăn nuôi trâu, bò, bãi chăn thả gia súc tập trung”, ông Lượng cho biết thêm.

Còn tại huyện Triệu Phong, theo thống kê của Trạm CN&TY, năm 2021 toàn huyện ghi nhận tổng cộng 168 con trâu, bò mắc bệnh VDNC, tập trung phần lớn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 17/18 xã, thị trấn. Thời gian phát bệnh kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 với số lượng trâu, bò bị bệnh nặng, chết buộc phải tiêu hủy là 48 con, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Dịch bệnh chỉ được khống chế sau khi toàn bộ 5.700 con trâu, bò trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin VDNC.

Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn cho biết, xác định tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong việc phòng dịch bệnh VDNC, Trạm CN&TY đã phối hợp với các địa phương rà soát tổng đàn trâu, bò để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho năm 2022.

“Ý thức về bảo vệ tài sản của người chăn nuôi trên địa bàn huyện rất cao. Do vậy, ngay khi có thông tin về kế hoạch tiêm phòng vắc xin VDNC, hầu hết người dân đều chủ động đăng ký với thú y cơ sở để tiêm phòng cho đàn vật nuôi”, ông Sơn thông tin.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An, bệnh VDNC là bệnh do vi rút gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chỉ có tiêm phòng đầy đủ mới kiểm soát được dịch bệnh. Minh chứng là số trâu, bò đã tiêm phòng trong năm 2021 hiện nay đều phát triển tốt. Tuy nhiên, sau gần 1 năm tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, đến nay, khả năng bảo hộ của vắc xin đang giảm dần, nguy cơ dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò xuất hiện và lây lan trở lại là rất lớn.

Thực hiện kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT về tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò năm 2022, hiện tại Chi cục CN&TY đang tích cực triển khai công tác tiêm phòng cho đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh với số lượng vắc xin dự kiến khoảng 57.750 liều. Đến nay đã cung ứng đợt 1 được 17.000 liều vắc xin VDNC cho các địa phương và đã triển khai tiêm phòng được 2.350 con. Dự kiến sau khi hoàn thành, tỉ lệ tiêm phòng sẽ đạt trên 80% so với tổng đàn và 100% đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng bắt buộc.

Ông An cho biết, để thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò, chi cục đã chỉ đạo trạm CN&TY phối hợp với các địa phương thành lập các tổ tiêm phòng. Đồng thời, phân công cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tiêm phòng, giám sát trước, trong và sau tiêm phòng để xử lý kịp thời sự cố cũng như các trường hợp phát bệnh có thể xảy ra, đặc biệt tại các ổ dịch cũ. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi trường hợp những đàn trâu, bò thuộc đối tượng tiêm phòng, nếu không chấp hành tiêm phòng mà để xảy ra dịch, bị chết buộc phải tiêu hủy thì sẽ không được hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh.

Cũng theo ông An, bệnh VDNC lây lan qua vật truyền bệnh trung gian chủ yếu là ve, mòng…, trong khi thời tiết đang diễn biến phức tạp, là điều kiện rất thuận lợi để những vật trung gian này phát triển, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là rất cao.

Do vậy, cùng với việc tiêm phòng vắc xin, các hộ chăn nuôi trâu, bò cần thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải báo cáo nhân viên thú y để được tư vấn và điều trị kịp thời, tiến hành cách ly con bệnh và tuyệt đối không được bán chạy; trường hợp trâu, bò mắc bệnh nặng, chết phải tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh không làm phát tán mầm bệnh.

Ông An cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc tiêm phòng giữa các địa phương chưa đồng bộ, có một số xã hiện vẫn chưa triển khai tiêm phòng theo kế hoạch của UBND huyện, dễ dẫn đến nguy cơ bệnh VDNC cũng như các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện trên đàn trâu, bò.

“Để chủ động phòng, chống bệnh VDNC nói riêng cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm nói chung, chi cục đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhắc nhở các địa phương khẩn trương thực hiện việc tiêm phòng vắc xin VDNC theo đúng kế hoạch đã đề ra”, ông An cho hay.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169485&title=chu-dong-phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-tren-dan-trau-bo