Chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng

Hiện đã bước vào mùa Hè, cũng là những tháng cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại trên 8,8 ha. Trước thực tế đó, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy rừng và triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Hiện đã bước vào mùa Hè, cũng là những tháng cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại trên 8,8 ha. Trước thực tế đó, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy rừng và triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Kiểm lâm huyện Lạc Sơn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng tại cơ sở.

Kiểm lâm huyện Lạc Sơn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng tại cơ sở.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao trong ngày phổ biến ở mức 37 - 39 độ C, có thời điểm lên đến trên 40 độ C. Đợt nắng nóng này, ngày 27/4, trong tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng tại thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc và Lạc Sơn với diện tích rừng bị cháy khoảng 8,89 ha. Cụ thể, tại huyện Đà Bắc đã xảy ra 2 vụ cháy rừng ở xã Tú Lý và Toàn Sơn, làm thiệt hại khoảng 6 ha rừng trồng keo, bồ đề, luồng. Tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn cháy 1,39 ha rừng keo. Tại khu vực phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình diện tích rừng bị cháy khoảng 1,5 ha, chủ yếu là keo và rừng tre, nứa, gỗ. Điều đáng nói, nguyên nhân của 4 vụ cháy rừng đều do đốt dọn thực bì sau khi khai thác rừng trồng dẫn đến cháy lan vào rừng.

Ngay sau khi xảy ra cháy rừng, lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng gồm công an, bộ đội, kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở đã khẩn trương triển khai chữa cháy. Hầu hết các đám cháy rừng đều được dập tắt kịp thời. Tuy nhiên sau vụ cháy rừng tại huyện Lạc Sơn đã có 1 người thiệt mạng, nguyên nhân do ngạt khói; nhiều diện tích rừng bị thiệt hại nặng nề ở các địa phương.

Hiện nay, diện tích rừng toàn tỉnh có 264.759 ha, trong đó rừng tự nhiên 141.614 ha, rừng trồng 123.145 ha. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, mùa hè năm nay, Hòa Bình tiếp tục nằm trong vùng nắng nóng. Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất lớn. Thực tế cho thấy, trong thời điểm nắng nóng có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, trong đó hành vi đốt lửa xử lý thực bì tại các cánh rừng keo là một trong những nguy cơ gây cháy rừng cao trên diện rộng, khó kiểm soát.

Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng mức cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phòng chống cháy rừng, không đốt nương, sử dụng lửa khi đi rừng. Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, quân sự và kiểm lâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng; nghiêm cấm hành vi đốt, xử lý thực bì sau khai thác, đốt nương làm rẫy khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV trở lên; chủ động về lực lượng, phương tiện, thiết bị, máy móc sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý các khu bảo tồn phân công kiểm lâm viên địa bàn bám sát cơ sở, tham mưu cho chính quyền xã tổ chức nhiều đợt tuần tra rừng; thường xuyên cập nhật, theo dõi cảnh báo cháy rừng; nhắc nhở, hướng dẫn người dân vệ sinh sau khi khai thác và sử dụng lửa đúng quy trình, kỹ thuật trong việc đốt dọn nương rẫy; duy trì trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, đảm bảo quân số thường trực trong những ngày cao điểm nắng nóng; chuẩn bị tốt máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Khuyến cáo người dân, để đảm bảo an toàn khi đốt thực bì cần phải theo dõi thời tiết trước khi chuẩn bị đốt thực bì. Tuyệt đối không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Trước khi đốt thực bì phải quan sát các khu vực xung quanh nương rẫy để tính toán mức độ lây lan của ngọn lửa, độ dốc cao. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa…

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/189145/chu-dong-phong-chong-chay-rung-mua-nang-nong.htm