Chủ động phòng, chống tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi

PTĐT - Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có một số tỉnh, thành lân cận với Phú Thọ và có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thành, thị theo dõi chặt chẽ; chỉ đạo chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tái phát và lây lan.

Thú y cơ sở xã Dậu Dương, huyện Tam Nông thực hiện phun khử trùng tiêu độc cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã.

Thú y cơ sở xã Dậu Dương, huyện Tam Nông thực hiện phun khử trùng tiêu độc cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Thế Lực, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm chăn nuôi và thú y huyện Tam Nông, một trong những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lợn cho biết: Dù bệnh dịch đã được khống chế từ cuối tháng 1 đến nay song Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vẫn đề xuất với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn; phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi; hạn chế người lạ ra vào khu vực trang trại… Nhờ đó, đến hiện tại bệnh DTLCP trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu tái phát trở lại.Huyện Lâm Thao là một trong những huyện có tổng đàn lợn lớn, nhiều trang trại nuôi gia công cho các doanh nghiệp như DABACO, Minh Hiếu, CP, CJ, Marvin. Trong năm 2019, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng, phải xóa đàn do bệnh DTLCP. Sau khi dịch bệnh được khống chế, nhiều hộ đã thực hiện tái đàn trở lại và thực hiện chặt chẽ việc phòng bệnh. Ông Bùi Đức Hùng, chủ một cơ sở chăn nuôi ở xã Sơn Vi cho biết: Năm 2019, gia đình tôi có hơn 30 con lợn nái và gần 250 lợn thịt bắt buộc phải tiêu hủy toàn bộ do ảnh hưởng bởi DTLCP. Tháng 4 năm nay, gia đình tôi tái đàn trở lại. Để phòng, tránh dịch bệnh, tôi lựa chọn mua con giống của các đơn vị có uy tín, rõ nguồn gốc và đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, được tiêm phòng đầy đủ. Đối với khu vực chăn nuôi của gia đình, tôi thực hiện rải vôi bột quanh khu vực trang trại, lối đi; phun khử trùng các chuồng nuôi với mật độ 2 lần/tuần; đồng thời không cho người lạ; đặc biệt là thương lái ra vào khu vực chăn nuôi. Là một trong những trang trại lớn, thường xuyên duy trì ở mức 1.200 đến 1.300 đầu lợn thịt và khoảng 60 nái, không bị ảnh hưởng bởi DTLCP trong năm qua, chị Lê Thị Kim Dung ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao chia sẻ: Ngay từ khi có thông tin về bệnh DTLCP ở các địa phương khác trong cả nước, gia đình tôi đã chủ động thực hiện các việc khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi, cách ly công nhân khu vực chăn nuôi và thương lái nên không bị ảnh hưởng. Việc đó vẫn được duy trì cho đến nay nên trên địa bàn huyện, xã đã xuất hiện lợn ốm, chết nhưng đàn lợn của gia đình tôi vẫn phát triển ổn định.Ông Hoàng Mạnh Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Thời điểm hiện tại là thời điểm chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi bị giảm sút, dễ bị mắc các bệnh như dịch tả; lở mồm long móng, tụ huyết trùng…Do đó để đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định, khỏe mạnh, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng các loại vắc xin; phun hóa chất và sử dụng vôi bột để khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Đồng thời, các hộ chăn nuôi khi mua con giống cần lựa chọn các cơ sở cung cấp có uy tín, địa chỉ rõ ràng; chọn con giống đã được tiêm phòng đầy đủ; thực hiện nghiêm việc khai báo với địa phương về việc tái đàn; nếu phát hiện lợn có dấu hiệu ốm, chết phải lập tức báo cáo với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch; bán chạy đàn lợn…Từ nay đến cuối năm, nhu cầu về các loại thịt, trong đó có thịt lợn sẽ gia tăng dẫn đến việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sẽ phức tạp hơn. Do đó, để phòng, chống bệnh DTLCP tái phát và lây lan trở lại, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm túc, bảo vệ nền chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202011/chu-dong-phong-chong-tai-phat-benh-dich-ta-lon-chau-phi-173948