Chủ động phòng dịch cúm gia cầm A/H5
Dịch bệnh cúm gia cầm đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do vi-rút gây ra trên gia cầm và lây lan qua việc vận chuyển gia cầm, di cư của các loài chim hoang dã, qua không khí, chất thải, nước, dụng cụ chăn nuôi... Thời gian tới là dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội, vì vậy, tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm gia tăng. Bên cạnh đó, hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 77.000 con gia cầm. Đặc biệt, ngày 5/10/2022 có 1 người nhiễm vi rút cúm gia cầm chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) xảy ra tại một hộ thuộc huyện Bát Xát, phải tiêu hủy 730 con thủy cầm. Kết quả giám sát chủ động tại các chợ phát hiện 3 mẫu gia cầm dương tính với cúm A/H5N6, 12 mẫu dương tính với cúm A/H5N1 (trong đó có mẫu dương tính cúm gia cầm nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ). Nhận định nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không lơ là, chủ quan; chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi-rút cúm gia cầm lây nhiễm.
Gia đình ông Trần Hữu Hồng, bản 5, xã Điện Quan (Bảo Yên) đã chuẩn bị gần 1 tấn vôi bột, 20 lít Cloramin B dự trữ trong kho vật tư của trang trại. Ông chủ động rắc vôi bột từ đường vào trang trại và phun khử trùng bằng thuốc Cloramin B 1 lần/tuần. Đây là cách phòng dịch được trang trại thường xuyên sử dụng, đặc biệt khi nhận thông tin một số nơi đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm. Trang trại của gia đình ông hiện nuôi 2.600 con gà và chăn nuôi là nguồn thu nhập chính, nên vấn đề bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh được ông đặc biệt coi trọng.
Nhiều năm trở lại đây, hộ bà Trần Thị Hằng, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) mở rộng quy mô chăn nuôi gà, với tổng đàn 6.000 con/lứa. Nhận thức rõ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh việc bổ sung chất dinh dưỡng cho gà, bà Hằng đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng. Đàn gà được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, bảo đảm các chế độ về thức ăn sạch, nước uống sạch... Bên cạnh đó, sau mỗi lứa gà xuất bán, bà tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, sửa lại chuồng trại, phát quang bụi rậm, cống thoát nước... Thời điểm giao mùa, bà thường xuyên theo dõi đàn gà, kịp thời phòng và trị bệnh khi mới chớm, không để bệnh lây lan. Nhờ vậy, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Toàn tỉnh hiện có gần 5 triệu con gia cầm. Chăn nuôi gia cầm từ lâu đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và nguy cơ bùng phát trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo Kế hoạch số 169 ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025; triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo nội dung Công điện số 7061 ngày 21/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Theo đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, nhất là tại các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc; thành lập đội kiểm tra liên ngành tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch nơi đến (nhất là gia cầm có nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ). Rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phát hiện gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm, chưa qua kiểm dịch.
Ngành nông nghiệp tổ chức phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh và tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, dập tắt ổ dịch ngay trong diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Cần tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm sự lưu hành các chủng vi rút cúm gia cầm (H5N1, H5N6, H5N8...) trên địa bàn, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch. Có kế hoạch dự phòng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất để chủ động phòng, chống khi có dịch xảy ra; thông báo kịp thời cho Sở Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362186-chu-dong-phong-dich-cum-gia-cam-ah5