Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin dại cho chó. Ảnh: THỦY TIÊN

Thời tiết đang vào kỳ cao điểm nắng nóng, ngành Thú y và các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao, người dân phải chủ động phòng ngừa, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho vật nuôi.

Đẩy mạnh tiêm phòng

Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh dại bùng phát ở vật nuôi và uy hiếp sức khỏe, tính mạng con người. Để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, ngành Thú y và các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.

Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh cho biết: Đón đầu mùa cao điểm dịch bệnh, từ tháng 4, trạm ra quân tổ chức tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho đàn vật nuôi của địa phương. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng dịch COVID-19 nên phải tạm nghỉ một thời gian và mới triển khai tiêm trở lại. Tính đến nay, toàn huyện đã có khoảng 1.200/4.000 con chó, mèo được tiêm phòng loại bệnh này. Cũng theo ông Chung, năm ngoái tại huyện Sông Hinh có 1 người chết do bệnh dại. Vì vậy năm nay, địa phương rất quyết liệt tiêm phòng nhằm nâng cao tỉ lệ, tạo sức đề kháng tốt nhất cho chó, mèo để bảo vệ đàn vật nuôi và con người.

Tại huyện Sơn Hòa, để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc xin, mới đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Hòa đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với một số xã có tỉ lệ tiêm thấp trên địa bàn như Sơn Hội, Cà Lúi... Qua đó, chi cục đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp đốc thúc, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng. Nhờ sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương nên đến nay tỉ lệ tiêm của huyện Sơn Hòa đã được khoảng 30% và huyện này đang tập trung hết sức để có thể nâng tỉ lệ lên 50%.

Chung tay với ngành Thú y, các địa phương cũng đang vào cuộc quyết liệt. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông Lê Văn Vỹ, gần 2 tháng qua, loa phát thanh xã thường xuyên phát thông báo về kế hoạch tiêm phòng tại địa phương, những quy định của ngành chức năng về trách nhiệm của chủ vật nuôi, thông tin về tính nguy hiểm của bệnh dại để người dân hiểu và thực hiện. Đồng thời, xã chỉ đạo rà soát số lượng chó, mèo nuôi thực tế và đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn; tổ chức các đợt tiêm bổ sung vắc xin phòng dại, đối với chó, mèo từ 2 tháng tuổi trở lên... “Hiện người dân hưởng ứng khá tốt. Đến nay, toàn xã đã tiêm được 200 liều vắc xin dại chó, đạt 70% tổng đàn và đang thực hiện tiêm vét”, ông Vỹ nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Bệnh dại vô cùng nguy hiểm, có khả năng lây lan, làm chết vật nuôi và con người nếu bị nhiễm mà không được điều trị kịp thời. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống bệnh này là tiêm vắc xin ngừa dại cho vật nuôi theo đúng quy định. Vì vậy, để giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng với bệnh dại, từ đầu tháng 4, chi cục đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố phối hợp cùng chính quyền cơ sở đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi. Đến nay, toàn tỉnh tiêm được 11.500 liều vắc xin ngừa bệnh dại, đạt 50% tổng đàn.

Người dân cần chủ động

Trong khi các ngành chức năng quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh dại bùng phát thì nhiều người dân vẫn còn rất thờ ơ với việc này. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cán bộ tiêm phòng đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo ở các vùng đồng bào vì bà con ý thức rất kém về vấn đề này. Ngoài ra, vắc xin ngừa bệnh dại không được hỗ trợ, người nuôi phải trả chi phí khoảng 25.000 đồng/liều nên cũng không muốn tiêm vì sợ tốn kém. Còn ông Phạm Quý Minh, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Hòa, cho biết: Ở vùng đồng bào, hầu hết chó, mèo đều được nuôi thả rông nên khi đến tiêm cũng rất khó khăn để bắt giữ. Nhiều khi chủ nhà tích cực phối hợp thì còn tiêm được, còn nếu không thì chịu thua.

Theo mí Chăm ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), nhà mí có nuôi 3 con chó nhưng chưa bao giờ được tiêm phòng. “Chó nhà mí chỉ đi loanh quanh gần nhà chứ không đi đâu xa nên chắc không bị lây bệnh, vì vậy khỏi tiêm để khỏi tốn kém”, mí Chăm nói.

Tại vùng đồng bằng, tình hình tiêm phòng vắc xin thuận lợi hơn. Đến nay, các phường, xã đã tiêm được 2.368 liều và đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông trong các khu dân cư vẫn còn phổ biến. Hầu hết người dân khi đưa vật nuôi ra ngoài đều không đeo rọ bọc mõm, không có dây dắt như quy định. Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Xung quanh nhà tôi có rất nhiều nhà nuôi chó, có hộ nuôi đến 5 con. Điều đáng nói là hầu hết các hộ này đều thả chó chạy rông khắp xóm, không đeo rọ mõm, không có người dắt nên rất nguy hiểm cho những người xung quanh. Mùa này sợ chó bị dại cắn nên tôi không cho các con ra ngoài chơi”.

Ông Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo: Ngoài việc tiêm phòng, người nuôi phải tuân thủ quy định nuôi nhốt chó, mèo, khi đưa vật nuôi ra ngoài phải đeo rọ mõm, có dây xích và được chủ dắt. Đồng thời, khi bà con phát hiện chó, mèo nghi mắc bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để xử lý kịp thời, tránh gây hại đến người và vật nuôi khác. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cào thì phải vệ sinh ngay vết thương bằng xà phòng và đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị kịp thời. Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm về việc tiêm phòng, thả rông vật nuôi để đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh cho người dân.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 939 người bị chó, mèo cắn, cào... phải điều trị dự phòng. Đây chỉ là số liệu thống kê khi người dân điều trị tại các cơ sở y tế. Thực tế vẫn còn nhiều người tự chữa trị bằng các biện pháp dân gian nên khả năng số người bị còn cao hơn.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240433/chu-dong-phong-ngua-benh-dai.html