Chủ động phòng ngừa cháy, nổ

Những năm gần đây, các vụ cháy nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh và nhà trong ngõ hẹp tại các đô thị lớn ở nước ta đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, cùng với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền, mỗi hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa cháy, nổ.

Thực trạng lo ngại

Vụ cháy xảy ra sáng 2-4 tại căn nhà ống 2 tầng thuộc phường Xóm Củi (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) khiến 3 người trong một gia đình tử vong; hay vụ cháy rạng sáng 28-4 tại ngôi nhà 4 tầng trên phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cướp đi sinh mạng của 3 người là những minh chứng đau lòng. Những sự cố này không chỉ phản ánh mức độ nguy hiểm của cháy, nổ, mà còn bộc lộ những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư đô thị.

Nhà ống là loại hình nhà ở phổ biến tại các đô thị, trong đó có Nha Trang.

Nhà ống là loại hình nhà ở phổ biến tại các đô thị, trong đó có Nha Trang.

Nhà ống là loại hình nhà ở phổ biến tại các đô thị ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn. Với đặc điểm chiều ngang hẹp (thường 3 - 5m), chiều sâu lớn (10 - 20m), xây dựng nhiều tầng (3 - 6 tầng) và chỉ thông thoáng ở mặt trước, nhà ống tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Các bức tường hai bên thường không có cửa sổ, lối ra vào được bố trí cửa cuốn hoặc cửa sắt kiên cố khiến khói và khí độc dễ tích tụ, bốc cao và lan nhanh khi xảy ra hỏa hoạn. Điều này gây khó khăn cho việc thoát nạn của cư dân và cản trở công tác cứu hộ.

Đối với nhà trong ngõ hẹp, ngoài các đặc điểm của nhà ống, còn không đủ không gian cho xe chữa cháy tiếp cận. Chiều cao thông thủy của ngõ cũng hạn chế khả năng triển khai các phương tiện cứu hộ từ trên cao, như thang cứu hộ. Khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy thường phải sử dụng các phương tiện chữa cháy cầm tay hoặc vòi rồng từ xa, làm giảm hiệu quả dập lửa và cứu nạn.

Nhà ở kết hợp kinh doanh thường được bố trí cửa hàng, kho hàng hoặc xưởng sản xuất tại tầng 1, các tầng trên dùng để ở. Đặc điểm này làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ do lượng hàng hóa lớn, chủ yếu là vật liệu dễ cháy được lưu trữ tại khu vực tầng trệt, cầu thang hoặc hành lang. Khi xảy ra cháy, các vật liệu này không chỉ làm ngọn lửa lan nhanh mà còn sinh ra lượng khói và khí độc dày đặc, gây ngạt thở và cản trở tầm nhìn, khiến người trong nhà khó thoát ra ngoài. Hơn nữa, để phòng, chống trộm cắp, nhiều hộ gia đình lắp đặt cửa sắt, chuồng cọp hoặc bịt kín ban công, lối lên mái, làm mất lối thoát hiểm thứ hai, khiến cư dân bị kẹt trong đám cháy. Các thiết bị điện như: Ổ cắm, dây dẫn, máy móc hoạt động liên tục trong không gian chật hẹp dễ gây chập điện, đặc biệt khi không được bảo dưỡng định kỳ.

Ảnh chụp một hộ gia đình kết hợp kinh doanh đã tập trung lượng hàng hóa lớn tại khu vực cầu thang bộ.

Ảnh chụp một hộ gia đình kết hợp kinh doanh đã tập trung lượng hàng hóa lớn tại khu vực cầu thang bộ.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh, nhiều hộ gia đình chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ cháy, nổ, không trang bị kiến thức và kỹ năng thoát nạn, không đầu tư các thiết bị PCCC cơ bản như: Bình chữa cháy, hệ thống báo cháy. Việc cơi nới, bịt kín ban công, lưu trữ vật liệu dễ cháy không đúng quy định, hoặc sử dụng hệ thống điện không đảm bảo an toàn là những vi phạm phổ biến. Cùng với đó, ngõ hẹp, mật độ xây dựng dày đặc và thiếu không gian trống khiến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn...

Chủ động phòng ngừa

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ tại nhà ống, nhà trong ngõ hẹp và nhà ở kết hợp kinh doanh, cần sự phối hợp của người dân, chính quyền và lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Cùng với việc lực lượng chức năng tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về PCCC tại cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, sử dụng bình chữa cháy và xử lý tình huống cháy, nổ, mỗi hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu các quy định về PCCC; giữ thông thoáng ban công, lối lên mái và các lối thoát hiểm thứ hai; lắp đặt hệ thống báo cháy tự động để phát hiện cháy từ sớm; trang bị ít nhất 1 - 2 bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây và hướng dẫn các thành viên cách sử dụng; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng dây dẫn điện, thiết bị điện và ngắt nguồn các thiết bị không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ. Đồng thời, không tích trữ quá nhiều vật liệu dễ cháy như: Xăng, dầu, giấy, vải trong nhà; hàng hóa cần được bố trí gọn gàng, cách xa nguồn nhiệt và thiết bị điện. Khi phát hiện cháy, nhanh chóng báo động cho mọi người, ngắt nguồn điện và sử dụng bình chữa cháy để dập lửa ở giai đoạn đầu; liên hệ ngay lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114, cung cấp thông tin chính xác về địa điểm và tình hình cháy.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC; thành lập các đội PCCC cơ sở tại khu dân cư, trang bị phương tiện chữa cháy cầm tay và tổ chức diễn tập thường xuyên...

THÀNH LONG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/chu-dong-phong-ngua-chayno-5f753f4/