Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết
Dù chưa xuất hiện dịch ở Bình Phước nhưng ở một số tỉnh, thành lân cận, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã bắt đầu bùng phát và có dấu hiệu tăng mạnh trong thời điểm này. Đặc biệt, đã có một số ca trẻ em tử vong do mắc SXH. Do đó, việc chủ động phòng tránh SXH là điều vô cùng quan trọng đối với hộ dân, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.
Phòng hơn chống
Chưa xuất hiện ổ dịch nhưng với phương châm “phòng hơn chống”, thời điểm này, ngành y tế TX. Bình Long đã bắt đầu triển khai các đợt chiến dịch phòng tránh SXH trên địa bàn. Anh Đỗ Nguyễn Tùng, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TX. Bình Long cho biết, hiện Bình Long đã hoàn thành chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 gồm ra quân thực hiện diệt lăng quăng tại từng khu vực nhà dân trên địa bàn, đồng thời kết hợp với y tế thôn bản kiểm tra lại toàn bộ kết quả chiến dịch. Nếu có thiếu sót về mặt kỹ thuật thì sẽ hướng dẫn các hộ dân làm lại, song song đó là thực hiện truyền thông trực tiếp đến các hộ dân.
Những năm gần đây, ý thức của người dân trong việc phòng tránh SXH ngày càng được cải thiện. Người dân bắt đầu quan tâm gìn giữ môi trường nhà ở sạch sẽ, diệt lăng quăng. Tình hình dịch bệnh vì thế cũng giảm rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Hương Sen ở khu phố Phú Tân, phường An Lộc, TX. Bình Long chia sẻ: “Nhà tôi đã sinh sống gần 20 năm ở đây nhưng chưa có ai bị SXH. Dù vườn rẫy ở cạnh nhà nhưng ngày nào tôi cũng quét dọn, đốt lá cây, không để bừa bãi nên môi trường sinh sôi của muỗi không có”.
Sự phối hợp và nhận thức của người dân chính là yếu tố then chốt để việc phòng tránh SXH có đạt hiệu quả hay không. Do vậy, để nâng cao nhận thức cho người dân, ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác truyền thông theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Đặc biệt, trong những đợt cao điểm xuất hiện dịch bệnh, cán bộ y tế thôn bản còn đi nhắc nhở hằng ngày để người dân quan tâm thực hiện các biện pháp phòng tránh. “Đợt này gần như ngày nào mình cũng đi nhắc nhở các nhà dọn vệ sinh, lật úp những vật dụng chứa nước, thả cá diệt lăng quăng bởi không có lăng quăng thì sẽ không có bệnh SXH. Khu vực này chủ yếu là vườn rẫy kết hợp với nhà ở, tuy nhiên, nhờ chủ động các biện pháp nên chưa năm nào xảy ra dịch nghiêm trọng” - chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ y tế thôn bản khu phố Phú Tân, phường An Lộc cho biết.
Không thể lơ là
SXH là bệnh theo mùa nhưng không thể chủ quan do đây là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây chết người và bùng phát nhanh chóng. Ngoài ý thức của người dân, ngành y tế cũng đang chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là chủ động giám sát chỉ số mật độ muỗi để khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao và triển khai biện pháp xử lý triệt để.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Long Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TX. Bình Long cho biết: Số ca mắc SXH trên địa bàn thị xã đến lúc này chưa gọi là dịch. Tuy nhiên, ngành y tế thị xã cũng không thể lơ là. Sau khi chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 kết thúc, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch phòng tránh SXH tiếp theo. Trung tâm y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn sẽ luôn giám sát và bám sát kết quả của chiến dịch để tham mưu UBND thị xã có những giải pháp phù hợp trong công tác phòng, chống SXH.
Đến thời điểm hiện tại, SXH tại Bình Long cơ bản đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch cũ những năm trước chưa có dấu hiệu tái bùng phát. 5 tháng đầu năm nay, toàn TX. Bình Long phát hiện khoảng 30 ca SXH.
Bệnh SXH chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân cần được đưa đến trung tâm y tế để điều trị kịp thời nếu có biểu hiện bệnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng các biện pháp hóa học để diệt trừ muỗi hoặc lăng quăng mà chỉ nên sử dụng các biện pháp truyền thống, nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn sạch các vật dụng đọng nước, không để muỗi có môi trường sinh sôi.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/133502/chu-dong-phong-tranh-sot-xuat-huyet