Chủ động phòng vệ thương mại, để tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại
Trong năm 2022, các nước tiến hành nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra PVTM đối với nhiều mặt hàng từ các nước nhập khẩu (NK) vào thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy, biện pháp PVTM chính là công cụ các nước đã và đang áp dụng, nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng NK ngay tại 'sân nhà'...
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Các Hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, giúp doanh nghiệp (DN) được hưởng ưu đãi thuế quan, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK, nhưng song song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là DN đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện PVTM.
Nếu trong giai đoạn 2005 - 2010, Việt Nam chỉ có 21 vụ kiện PVTM thì giai đoạn 2016 – 2020 có đến 99 vụ. Các thị trường bị điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, EU, Philippines... Đặc biệt, trong năm 2022 xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì; chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; chính sách tài chính tiền tệ của nhiều quốc gia có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới; việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế NK ưu đãi xuống thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%... Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về PVTM. Các nền kinh tế XK lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM, trong đó Việt Nam có quy mô XK tăng trưởng mạnh thời gian qua, nên số vụ việc PVTM đối với hàng XK của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của Cục PVTM - Bộ Công thương, trong 11 tháng đầu năm 2022, các nước đã tiến hành điều tra 16 vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Trong tháng đầu năm 2023, Việt Nam cũng đã bị "dính" một vụ điều tra về PVTM. Bộ Công Thương cho biết, ngày 25/1/2023 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas NK từ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho biết, trong năm 2021 Việt Nam XK khoảng 430 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 44% tổng trị giá XK từ tất cả các nước vào Hoa Kỳ, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2020 và gấp 25 lần so với năm 2019. Biên độ phá giá cáo buộc là 110,23 - 225,65%. DOC đã ban hành Bản câu hỏi về lượng và giá trị cho DN Việt Nam với thời hạn trả lời là 2/2/2023 (DN có thể xin gia hạn nếu cần).
Để xử lý các vụ PVTM như trên, trong thời gian qua, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng. Nhờ đó, đã có nhiều vụ được xử lý đạt kết quả tốt, giúp nhiều DN, mặt hàng XK của Việt Nam không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp (như tôm, cá tra, basa, một số sản phẩm thép, mật ong...), góp phần duy trì tăng trưởng XK, đặc biệt XK sang các thị trường lớn.
Nếu như hàng hóa của Việt Nam XK bị các nước áp dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, thì ở chiều ngược lại DN Việt Nam không còn bị động như trước, cùng với sự đồng hành của các bộ, ngành đã trở thành nguyên đơn trong các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa nước ngoài NK vào Việt Nam. Cụ thể, tháng 9/2022 đã áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm bàn ghế nội thất; chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón DAP/MAP. Tháng 8/2022, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với một số sản phẩm đường mía, áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm vật liệu hàn và tiếp tục áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép hình chữ H; tháng 5/2022, chấm dứt áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ...
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 132 về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm xuất xứ từ Trung Quốc NK vào Việt Nam. Như vậy, sản phẩm trên chịu mức thuế CBPG dao động trong khoảng 4,43 - 25,22% tùy vào từng DN sản xuất, XK cụ thể. Liên quan vụ việc trên, trước đó ngày 3/9/2019, nhiều DN sản xuất thép trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc NK vào Việt Nam. Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc theo đúng quy định. Kết quả cho thấy, một số sản phẩm thép Trung Quốc tồn tại các yếu tố có hành vi BPG của các DN sản xuất, XK nước ngoài; có sự đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công Thương khẳng định, PVTM là công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng NK đến sản xuất trong nước. Nhờ công cụ PVTM mà nhiều DN thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi... Với hoạt động XK, ông Trung cũng khuyến cáo các DN cần chú ý để hạn chế các vụ việc PVTM. Các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, EU... thường áp dụng PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ DN sử dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về PVTM, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực PVTM cho DN; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường…