Chủ động, sáng tạo trong thúc đẩy chuyển đổi số liên thông: (Kỳ I): Đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 về thúc đẩy CĐS liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện. Với cách làm bài bản, nhất quán, sáng tạo, sự đồng lòng giữa các cấp chính quyền, sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ, thể chế và con người, tỉnh từng bước xây dựng nền móng vững chắc cho mô hình chính quyền số vận hành 'một hệ thống thống nhất - một dữ liệu duy nhất - một dịch vụ liền mạch'.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung cho cán bộ phường Thiên Trường.
Quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm cao
Xác định, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các hệ thống thông tin trọng yếu đều có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của toàn tỉnh, nên ngay khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thống nhất triển khai phương án hợp nhất các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung, đảm bảo tính thống nhất, liên thông và an ninh, an toàn sau khi tỉnh Ninh Bình mới chính thức đi vào hoạt động, Sở KH và CN đã đồng loạt triển khai hợp nhất hạ tầng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng.
Trên cơ sở 8 nhóm nhiệm vụ, các giai đoạn thực hiện và giải pháp đột phá mà Kế hoạch số 02-KH/ BCĐTW đã đề ra, Sở tập trung cao việc triển khai, rà soát, cập nhật, tổ chức lại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác sắp xếp, tổ chức và vận hành chính quyền địa phương hai cấp; hướng dẫn các đơn vị, cá nhân duy trì hoạt động thường xuyên các nền tảng số, dịch vụ số dùng chung của tỉnh nhanh chóng, chính xác, không bị gián đoạn thông tin.
Trong đó, ưu tiên cao nhất được đặt vào nhóm các hệ thống thông tin trọng yếu gồm: Mạng truyền số liệu chuyên dùng, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và triển khai chứng thư số công vụ. Đây là những hệ thống “xương sống”, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương hai cấp và giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách về CĐS, cán bộ tham gia tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và 129 xã, phường trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung vào việc triển khai về mạng truyền số liệu chuyên dùng; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng thông tin điện tử và Chứng thư số công vụ; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới.
Bên cạnh đó, Sở KH và CN phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tổ chức diễn tập vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 7 xã, phường và truyền hình trực tiếp đến 129 đơn vị trên toàn tỉnh để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, 1 tuần đầu trước thời điểm sáp nhập tỉnh (1/7/2025), Sở đã dồn lực bố trí mỗi xã, phường 1 tổ kỹ thuật (gồm 3 người: cán bộ Sở, nhân viên VNPT và Viettel) tham gia hỗ trợ trực tiếp việc lắp đặt thiết bị, vận hành hệ thống phần mềm tại các xã, phường và khắc phục lỗi kỹ thuật ngay tại hiện trường. Đồng thời duy trì cơ chế giám sát phản ứng nhanh để xử lý ngay những trục trặc trong quá trình triển khai... Đây là yếu tố làm nên những kết quả bước đầu trong quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Những kết quả đáng ghi nhận
Đồng chí Nguyễn Mạnh Khuyến, Trưởng phòng CĐS (Sở KH và CN) cho biết: Hiện hệ thống thông tin phục vụ chính quyền địa phương hai cấp đã dần đi vào ổn định, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Nhiều phần việc quan trọng như thiết lập hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống tra cứu dữ liệu văn bản cũ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, tạo tài khoản cho cán bộ, công chức,… đều được thực hiện xong.
Đến nay đã kết nối, tích hợp hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến 129 phường, xã. Bưu điện đã bố trí phục vụ nhận hồ sơ thủ tục hành chính ít nhất 1 người tại các xã, phường. Ngay trong tuần đầu vận hành hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, toàn tỉnh ghi nhận 129 đội hình với gần 1.000 tình nguyện viên tham gia, hỗ trợ hàng chục nghìn lượt người dân thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận công nghệ số.
Tại các Trung tâm phục vụ hành chính công, đoàn viên, thanh niên đã hướng dẫn người dân đăng ký chữ ký số SmartCA, tạo tài khoản thanh toán điện tử, tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng nhận diện, phòng tránh thông tin xấu độc, lừa đảo trên không gian mạng.
Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh đã vận hành nền tảng giải quyết thủ tục hành chính và quản lý văn bản với hiệu suất đáng ghi nhận. Đã có tổng số 1.346 hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, trong đó 1.208 hồ sơ được nộp trực tuyến; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt gần 90%. 100% các xã, phường đã tiếp nhận và xử lý văn bản đến điện tử, số lượng văn bản phát hành đi lên đến 715 văn bản/ngày. Đặc biệt không ghi nhận tình trạng người dân, doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ do lỗi hệ thống.
Hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận hành. Cán bộ cấp xã đã bắt đầu sử dụng các hệ thống phần mềm để xử lý nghiệp vụ hành chính, tích hợp chữ ký số trong ký duyệt văn bản. Đến thời điểm ngày 22/7, toàn tỉnh đã có trên 50% xã, phường đã đạt tích xanh, hoàn thành 16/16 nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW. Các đơn vị còn lại đều đạt trên 12 chỉ tiêu nhiệm vụ.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình và các địa phương khác: thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Điện Biên đã vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ KH và CN biểu dương có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và vận hành đồng bộ, hiệu quả ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.