Chủ động tham gia, xây dựng và định hình các khung khổ hợp tác mới
Trả lời Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng về tăng cường hợp tác 3 nước và chủ động tham gia xây dựng, định hình các khung khổ hợp tác mới trong khu vực cũng như trên thế giới.
Dấu mốc lịch sử trong hợp tác Quốc hội 3 nước
- Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Lào từ ngày 4-7.12.2023, chính thức vận hành cơ chế hợp tác cao nhất giữa Quốc hội 3 nước. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane ký Tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị này tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia vào tháng 11.2022.
Sự kiện 3 Chủ tịch Quốc hội ký Tuyên bố chung trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu tham dự Đại hội đồng AIPA – 43 là dấu mốc lịch sử trong hợp tác liên nghị viện của 3 nước láng giềng anh em Việt Nam - Lào - Campuchia. Với cơ chế cấp cao này, chúng ta hình thành một kênh hết sức quan trọng đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy Chính phủ 3 nước thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hợp tác chung vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng của cả 3 nước, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân mỗi nước.
Trước đó, trên kênh nghị viện, Quốc hội 3 nước cũng đã có một số cơ chế hợp tác 3 bên cấp Ủy ban. Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay, việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV do 3 Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì là tất yếu khách quan nhằm tăng cường quan hệ hợp tác liên nghị viện giữa 3 nước láng giềng anh em, phát huy vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy hợp tác 3 nước, nhất là trong việc cùng nhau giải quyết những khó khăn, thách thức chung thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà cơ chế hợp tác cấp Ủy ban không thể giải quyết được.
- Trước cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước, ông đánh giá như thế nào về hợp tác giữa Quốc hội 3 nước?
- Thời gian qua, trong tổng thể quan hệ rất tốt đẹp trên các kênh Đảng, Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã góp phần quan trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước.
Trước khi cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV được thiết lập, Quốc hội 3 nước cũng đã có một số cơ chế hợp tác ba bên nhưng mới ở cấp các Ủy ban của Quốc hội gồm: Hội nghị giữa 3 Ủy ban Đối ngoại nhằm giám sát, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung Khu vực Tam giác phát triển. Hội nghị giữa 3 Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhằm giám sát, thúc đẩy, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Tam giác phát triển. Hội nghị giữa 3 Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng ta trong quan hệ với hai nước bạn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội ta đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hai nước, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hợp tác nghị viện giữa 3 nước.
Phối hợp hành động vì lợi ích chung
- Quốc hội Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV, thưa ông?
- Có thể nói rằng, việc hình thành cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Theo đó, từ thực tiễn hợp tác nghị viện 3 nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ động đề xuất với Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Campuchia về việc tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước để đồng bộ với các cơ chế hợp tác cấp cao 3 nước; đồng thời, góp phần triển khai có hiệu quả các chủ trương hợp tác 3 nước đã được người đứng đầu 3 Đảng thống nhất và giám sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa 3 nước nói chung, tại khu vực Tam giác phát triển nói riêng, góp phần đưa quan hệ 3 nước, 3 Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Đề xuất của chúng ta đã nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội Campuchia và Quốc hội Lào. Tiếp đó, Quốc hội Việt Nam, trực tiếp là Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia và Quốc hội Lào để chuẩn bị cho việc chính thức thành lập cơ chế này vào tháng 11.2022 cũng như việc tổ chức Hội nghị đầu tiên tại Lào từ ngày 4 – 7.12 tới.
Với vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân mỗi nước, việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của Lãnh đạo Quốc hội 3 nước trong việc phối hợp hành động để mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân. Qua đó cũng cho thấy, Quốc hội không chỉ nỗ lực đổi mới để thực hiện hiệu quả hơn các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lĩnh vực đối ngoại. Chúng ta vừa thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng về tăng cường hợp tác 3 nước CLV và chủ động tham gia xây dựng, định hình các khung khổ hợp tác mới trong khu vực cũng như trên thế giới, vừa thực hiện phương châm hành động cốt lõi của Quốc hội ta, đó là, việc có lợi cho Nhân dân, cho đất nước thì Quốc hội đều sẵn sàng làm.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!