Chủ động thực hiện chiến lược tích hợp dự phòng và kiểm soát sốt xuất huyết
Theo ngành y tế, sốt xuất huyết là mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Theo đó, việc đưa vào sử dụng vaccine sốt xuất huyết là bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam.
Khó kiểm soát nguồn lây, biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, hiện sốt xuất huyết được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế.
Hàng năm, nước ta có hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với hàng chục đến hàng trăm ca tử vong. Theo thống kê từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến giữa tháng 9/2024, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo.
Ghi nhận mới nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 8/2024, bệnh viện có 130 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện và 8 trường hợp gặp biến chứng sốc sốt xuất huyết phải điều trị tích cực.
Tại hội thảo chuyên sâu về vaccine sốt xuất huyết diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết không chỉ gây gánh nặng và áp lực cho bệnh nhân, gia đình mà còn cho hệ thống và nhân lực ngành y tế. Gần 40 năm trước, Việt Nam đã chứng kiến dịch sốt xuất huyết khủng khiếp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm đó, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào diệt muỗi và lăng quăng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, rất nhiều ca tử vong đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết, từ năm 1959 (thời điểm khi nhận ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên tại Đà Nẵng) đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm không còn theo mùa. Sốt xuất huyết không những lan rộng về quy mô, không còn tính chu kỳ mà còn thay đổi về độ tuổi mắc, ngày càng thể hiện sự khó kiểm soát do đô thị hóa, sự đi lại, các vấn đề xã hội…
Chia sẻ về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh khác nhau. Theo đó, người nhiễm lần đầu có thể với bất kỳ một trong các tuýp huyết thanh được cho là sẽ tạo miễn dịch lâu dài, thế nhưng có thể không kéo dài suốt đời và bảo vệ tạm thời, ước tính từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm sẽ chống lại các tuýp huyết thanh khác. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.
Cần gia tăng độ miễn dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng
Ở góc độ quản lý, PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nước ta nằm trong khu vực lưu hành bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đã được ngành y tế triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn khiến bệnh ngày càng gia tăng.
Biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu hiện nay là tiêm vaccine sốt xuất huyết. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là vaccine an toàn và dùng được cho trẻ em, là đối tượng nhạy cảm và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao. PGS Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh, khi số người sử dụng vaccine tăng lên cùng với các biện pháp khác, chắc chắn rằng trong một thời gian ngắn, gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra đối với cộng đồng sẽ giảm đáng kể.
Tượng tự, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ nửa thế kỷ trước, việc tìm ra vaccine sốt xuất huyết là vấn đề cấp thiết. Hiện Việt Nam đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết cùng 39 nước trên thế giới, tiến thêm một bước quan trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc sử dụng vaccine cùng các biện pháp phòng, chống khác sẽ giảm số ca mắc bệnh, nhập viện và gặp biến chứng nặng do bệnh trong tương lai không xa. Đó là bằng chứng thuyết phục nhất về tính an toàn, hiệu quả và tính nhân văn cao cả của vaccine nói chung và vaccine sốt xuất huyết nói riêng.
"Những bệnh do virus gây ra, chỉ có vaccine mới giải quyết được, còn những giải pháp khác rất thụ động, không mang lại hiệu quả lớn. Vì thế, nếu không có vaccine, chúng ta chỉ “đi theo đuôi” sốt xuất huyết. Thực tế cho thấy, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khi chưa có vaccine, dịch bệnh tràn lan khắp nơi; khi vaccine ra đời, hầu hết những bệnh truyền nhiễm này gần như biến mất", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.
Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Việt Nam cần phải có một chiến lược tích hợp để đối phó với dịch bệnh. Chiến lược này bao gồm giám sát chặt chẽ dịch bệnh, kiểm soát vector truyền bệnh, tăng cường nhận thức cộng đồng về việc tránh muỗi đốt, triển khai và tăng cường tiêm chủng vaccine sốt xuất huyết một cách hiệu quả, gia tăng độ bao phủ miễn dịch sốt xuất huyết từ vaccine trong cộng đồng. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng của sốt xuất huyết mà còn đối phó với tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm.
Vaccine sốt xuất huyết Qdenga (Takeda, Nhật Bản) được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành vào tháng 5/2024 và được Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC lần đầu tiên đưa về Việt Nam, triển khai tiêm chủng tại hàng trăm trung tâm trên toàn quốc từ ngày 20/9. Vaccine này phòng đầy đủ 4 tuýp huyết thanh virus gây bệnh. Phác đồ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên đến người lớn.
Vaccine sốt xuất huyết của Takeda được nghiên cứu và phát triển trong 45 năm, thử nghiệm dựa trên dữ liệu từ hơn 28.000 người tham gia. Hiện nay, vaccine này đã được triển khai tiêm trong chương trình tiêm chủng cho cộng đồng tại nhiều quốc gia lưu hành dịch, có số ca mắc và tử vong cao như Brazil và Argentina.