Chủ động thực hiện phòng, chống bệnh tay chân miệng
ĐTO - Nhằm chủ động kiểm soát và hạn chế dịch bệnh tay chân miệng ngay từ các tháng đầu năm, Sở Y tế vừa đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ ngành y tế chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học,…). Khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, cần tách trẻ ra khỏi các bạn trong lớp và báo cho phụ huynh về tình trạng của trẻ (cách ly ca bệnh sớm), sau đó thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường. Hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Sẵn sàng phối hợp với ngành y tế trong các hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát bệnh, vệ sinh phòng bệnh tại các địa điểm có nguy cơ bùng phát dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) làm đầu mối chính thực hiện theo dõi, quản lý công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Chủ động đề xuất và tham mưu Sở Y tế khi tình hình dịch diễn biến phức tạp. Cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh liên quan cho các cơ quan truyền thông tỉnh. Đồng thời, đảm bảo thực hiện báo cáo ca bệnh đầy đủ và kịp thời lên hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm https://baocaobtn.vncdc.gov.vn trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán mắc tay chân miệng (Theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế).
Đối với công tác điều trị, các bệnh viện và trung tâm y tế huyện, thành phố sẵn sàng về thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng. Hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, không để xảy ra lây nhiễm chéo, đặc biệt là nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Thường xuyên thông tin cho nhân viên y tế, nhân viên tại cơ sở, nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,… về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; không được lơ là mất cảnh giác trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở; đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng để phòng bệnh.
Đối với công tác dự phòng tại trung tâm y tế huyện, thành phố, quản lý và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đánh giá tình hình dịch bệnh địa phương, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần…