Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan ở các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh khó khăn, công tác phòng, chống dịch được đặt trong tình trạng báo động. Các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang được triển khai đồng bộ để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi hiện nay.
Yên Mô là một trong những địa phương có số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi cao. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện 2 đợt, đợt 1 từ ngày 30/3/2023 đến ngày 29/7/2023, đợt 2 từ ngày 13/10; lũy kế đến hết ngày 21/11/2023, toàn huyện đã phải tiêu hủy 655 con lợn của 134 hộ chăn nuôi trên địa bàn 13 xã, thị trấn với trọng lượng 30.089 kg do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện đã ban hành quyết định công bố dịch trên địa bàn các xã, thị trấn, chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất, vôi bột để thực hiện khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, hố tiêu hủy để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Tổ chức khoanh vùng, dập dịch, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, nhanh chóng khống chế dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết do mắc bệnh theo đúng quy định, không để phát tán, lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện thành lập Tổ kiểm tra lưu động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của các xã, thị trấn để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý, tổ chức kiểm tra 24/24h, nhất là tại các chợ, điểm tập kết, mua bán, giết mổ lợn.
Từ tháng 5/2022 đến nay, Việt Nam đã có 2 loại vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vắc-xin thú y. Đây là những vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lợn được tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc-xin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Bà Nguyễn Thị Len, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi tái bùng phát trở lại, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi thường xuyên tổ chức quét dọn, tổng vệ sinh khu vực chăn nuôi và khu vực công cộng, triển khai nghiêm túc việc tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất và vôi bột liên tục 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong 2-3 tuần kế tiếp, hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi.
Đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật trái phép, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm, không để dịch bệnh lây lan, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Từ tháng 3 đến nay, toàn tỉnh có 69 xã với 310 thôn, trong đó có 1.500 lượt hộ có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, gần 8.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng lên tới gần 350 tấn.
Các đơn vị có số lượng mắc bệnh nhiều là huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Mô, nhiều xã nằm trong tình trạng báo động đỏ về dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân xảy ra một số điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi tăng mạnh thời gian qua là do các ổ dịch xảy ra tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Trong khi đó, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường chăn nuôi nhiều, công tác tiêu độc, khử trùng chưa được thường xuyên, vật nuôi bị mắc bệnh chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh…
Đặc biệt, có hiện tượng một số hộ chăn nuôi do thiếu hiểu biết về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên khi có lợn bị ốm đã không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y mà tự bán lợn ốm cho thương lái mang đi tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh, khoanh vùng dập dịch, tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, nhất là vùng có dịch.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, các tổ chức, người chăn nuôi và cộng đồng nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống và các chế tài xử lý đối với các hộ, địa phương không nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, siết chặt công tác kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật, chủ động phối hợp triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép từ bên ngoài vào địa bàn hoặc vận chuyển qua địa bàn.
Kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm thu gom, buôn bán thực phẩm; tổ chức kiểm tra đột xuất việc tuân thủ cam kết thực hiện giết mổ, sơ chế, chế biến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh làm dịch bệnh bùng phát, lây lan, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Bài, ảnh: Tiến Đạt