Chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch bùng phát mùa tựu trường

Mùa tựu trường cũng là thời điểm ngành y tế lo ngại số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ở nhiều địa phương có nguy cơ gia tăng. Chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là yêu cầu được đặt ra...

Sởi, ho gà và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp tăng

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến cuối tháng 8/2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.

So với tình hình dịch bệnh cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Bộ Y tế lo ngại cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương mỗi khi đến mùa tựu trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm thường ghi nhận các dịch bệnh mùa tựu trường gia tăng.

Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường

Để chủ động công tác phòng, chống dịch trong mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý;

Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh...

Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/ Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch...

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/chu-dong-trien-khai-cac-bien-phap-phong-dich-bung-phat-mua-tuu-truong-39823.html