Chủ động ứng dụng công nghệ số
Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương của huyện Lấp Vò đã cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương và mang lại nhiều kết quả thiết thực. UBND huyện Lấp Vò phối hợp với các sở, ngành hữu quan tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; kỹ năng quản trị dữ liệu sản phẩm; tập huấn kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Lấp Vò tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn cho hàng trăm hộ dân. Huyện chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng để tập trung tuyên truyền, xây dựng thành sản phẩm mũi nhọn, qua rà soát xem xét, sản phẩm được chọn là khoai môn.
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến doanh nghiệp, khởi nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Lấp Vò có 10 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; 9 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt bình chọn cấp tỉnh; 2 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực (sản phẩm tranh lá sen của hộ kinh doanh Bảy Nghĩa và bộ sản phẩm nước ép quýt cô đặc, vỏ quýt sấy của hộ kinh doanh trà Phương Anh). Các sản phẩm đều được cơ sở giới thiệu qua các trang thương mại điện tử để thu hút người tiêu dùng.
Định kỳ hàng quý, huyện Lấp Vò phối hợp Sở Công Thương cung cấp bản tin thị trường cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán nắm để có kế hoạch sản xuất loại cây trồng phù hợp theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, triển khai đăng ký tham gia lớp tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm với nhiều đơn vị đăng ký tham gia. Trên địa bàn huyện có 33 sản phẩm OCOP được công nhận (trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao) và có 5 sản phẩm OCOP được lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Hiện nay, có thêm 20/28 sản phẩm OCOP 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada; Facebook, Zalo... để thực hiện mua bán hàng hóa. Có khoảng 22.000/76.541 tài khoản đăng ký trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn đạt khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Nhanh - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động việc chuyển đổi số được lồng ghép vào các buổi tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhằm khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp gắn với kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ: thiết bị bay không người lái (Drone) phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, sạ lúa; máy sạ cụm; hệ thống thủy canh; hệ thống tưới tự động...
UBND huyện Lấp Vò chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp các doanh nghiệp viễn thông huyện và Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai cài đặt các ví điện tử để người dân chuyển khoản không dùng tiền mặt, góp phần chuyển đổi số tại địa phương. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cài đặt App thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 50%. Tỷ lệ các hộ tiểu thương cài đặt App thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 30%. Tỷ lệ hộ kinh doanh thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 20%.
Các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính trên địa bàn đã triển khai các ứng dụng thanh toán, chuyển tiền trực tuyến thông qua các ứng dụng như Viettinbank Ipay, MB Bank, Viettel Money. Qua đó, giúp người dân thanh toán các khoản phí, lệ phí, chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường, mua bán, trao đổi một cách nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế dùng tiền mặt, góp phần vào công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn cho người dân. Đẩy mạnh triển khai không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện nhằm liên thông dữ liệu, hỗ trợ cha mẹ học sinh, học sinh thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Huyện Lấp Vò tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số, trong đó bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Triển khai phần mềm Quản lý văn bản (iDesk) cho các ban, ngành huyện, các đơn vị trường học và UBND các xã, thị trấn trong quản lý, điều hành văn bản hành chính Nhà nước. 100% cán bộ, công chức, viên chức các xã, thị trấn được trang bị máy tính sử dụng và cài đặt phần mềm chống mã độc. Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống panô, trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh huyện về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn huyện Lấp Vò.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chuyen-doi-so/chu-dong-ung-dung-cong-nghe-so-115427.aspx