Chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở miền Tây và TP.HCM

Xâm nhập mặn đang gia tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, gây lo ngại về tình hình thiếu nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tuần qua, xâm nhập mặn đã tăng lên ở các cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM.

Cụ thể, ranh mặn tại các cửa sông Cửu Long dao động 38-48 km, sông Vàm Cỏ 45-52 km và sông Cái Lớn 35-40 km. Mức độ xâm nhập mặn này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 3-8 km và thấp hơn các năm 2016, 2020 25-44 km. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài đến tháng 4 và sẽ tăng cao hơn mức trung bình nhiều năm.

Để chủ động ứng phó với đợt xâm nhập mặn này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó.

 Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cụ thể, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng cùng các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TP.HCM tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công điện số 128/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo cung cấp kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL và TP.HCM.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT phải phân công lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các biện pháp ứng phó tại các địa phương ven biển ĐBSCL.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nêu trên cũng cần triển khai các phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, tuyệt đối không để có tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tại cơ sở y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin chính xác về tình hình xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt cục bộ, giúp người dân có thêm thông tin để chuẩn bị ứng phó.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giám sát việc triển khai công điện này, đảm bảo mọi biện pháp được thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Mặc dù xâm nhập mặn hiện tại thấp hơn các năm trước nhưng sự chủ động trong công tác ứng phó là điều vô cùng quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Các biện pháp ngắn hạn và dài hạn cần được thực hiện để bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt, giúp ĐBSCL và TP.HCM vượt qua mùa khô hạn này một cách an toàn.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-dong-ung-pho-dot-xam-nhap-man-cao-diem-o-mien-tay-va-tphcm-post834785.html