Miền Tây lên kế hoạch ứng phó đợt hạn, mặn gây gắt

Trước tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền, các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng... lên kế hoạch ứng phó. Ngoài việc theo dõi độ mặn, đắp hàng chục đập tạm ngăn mặn, chính quyền còn khuyến cáo người dân chủ động trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Tình trạng xâm nhập mặn đang vào sâu đất liền

 Trên sông Cái Bé, độ mặn 4% đã lấn sâu 14km tính từ cửa biển; trên sông Cái Lớn, mức xâm nhập đã vào sâu tới 36km

Trên sông Cái Bé, độ mặn 4% đã lấn sâu 14km tính từ cửa biển; trên sông Cái Lớn, mức xâm nhập đã vào sâu tới 36km

Các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô tới nay. Hiện, tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… đang theo dõi sát sao tình hình xâm nhập mặn và có kế hoạch ứng phó từ đầu mùa khô.

Tại Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang báo cáo, tính đến ngày 11.2, Kiên Giang đã gieo trồng 280.747ha lúa Đông Xuân, trong đó hơn 21.000 ha đã thu hoạch. Diện tích rau màu và cây ăn trái hơn 20.580ha. Đối với ngành thủy sản, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt gần 70% kế hoạch, trong đó mô hình nuôi tôm - lúa duy trì ở mức 76.500ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang đánh giá, dù hạn mặn diễn biến phức tạp, nguồn nước cấp cho các nhà máy nước và trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn ổn định. Đến nay,chưa ghi nhận thiệt hại nào do hạn mặn gây ra.

Hiện tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng tăng mạnh. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ đã lấn sâu 14km tính từ cửa biển; trên sông Cái Lớn, mức xâm nhập đã vào sâu tới 36km. Riêng kênh Cái Sắn, độ mặn 4‰ đã tới xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp với biển nên Sóc Trăng thường bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn hàng năm.

Theo kết quả quan trắc và theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 đã bắt đầu từ giữa tháng 1.2025, với mức độ mặn cao hơn trung bình các năm trước. Đặc biệt, dọc theo tuyến sông Hậu, trong các đợt triều cường, ranh mặn 4g/lít trong các đợt triều cường dịch chuyển sâu vào nội đồng từ 35 - 40km thuộc địa bàn xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên.

 Người dân tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... có nguy cơ bị mặn xâm nhập đã chủ động nhiều biện pháp để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt

Người dân tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... có nguy cơ bị mặn xâm nhập đã chủ động nhiều biện pháp để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt

Ảnh hưởng nhất là tại huyện Kế Sách, do xâm nhập mặn kéo dài và duy trì ở mức khá cao, nên có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng cây ăn trái và vụ lúa Đông Xuân muộn. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc gia cố bờ bao, nạo vét kênh mương, tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.

Tại An Giang, tình hình hạn và xâm nhập mặn chưa có những ảnh hưởng và thiệt hại. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm vào tháng 3 và tháng 4. UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực An Giang; Công ty Cổ phần Điện nước An Giang; Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt của Nhân dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán;

UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn lập và thực hiện kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; xây dựng quy trình và tổ chức phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra hạn, kiệt thiếu nước và mất an toàn cấp nước. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước, nhất là vùng cao của huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.

Ứng phó hạn mặn

 Theo dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2025 sẽ cao và các tháng 3 và tháng 4

Theo dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2025 sẽ cao và các tháng 3 và tháng 4

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, từ tháng 2 đến tháng 4/2025, xâm nhập mặn trên địa bàn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, với độ mặn cao nhất dự kiến xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Trước dự báo của ngành chức năng, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành phương án phòng, chống và chỉ đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai các phương án bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Để bảo vệ lúa Đông Xuân 2025, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư gia cố và đắp mới 29 đập đất tại huyện An Biên, An Minh, đồng thời chủ động vận hành cống Vàm Bà Lịch trong các đợt triều cường tháng 1-2/2025.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng… đẩy mạnh tuyên truyền về biến đổi khí hậu, hướng dẫn nông dân kiểm soát mặn trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

 Mùa khô 2024, do hạn hán, thiếu nước đường tỉnh 965, huyện U Minh Thượng bị sạt lở nghiêm trọng

Mùa khô 2024, do hạn hán, thiếu nước đường tỉnh 965, huyện U Minh Thượng bị sạt lở nghiêm trọng

Riêng tuyến đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng (ĐT.965) dài khoảng 60km đối mặt với tình trạng mực nước kênh xuống thấp. Nguyên nhân do nhu cầu bơm tưới cho hoa màu, thủy sản tăng cao, trong khi lượng nước bổ sung không có, cộng với sự bốc hơi mạnh. Dự báo trong thời gian tới, mực nước sẽ tiếp tục giảm nhanh, làm gia tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở đất – hiện tượng đã từng xảy ra vào đầu tháng 3/2024.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân trong khu vực sử dụng nước tiết kiệm, tuân thủ lịch thời vụ, không khoan giếng khai thác nước mặn và không tự ý đặt cống qua đê bao để tránh ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị đơn vị vận hành các công trình thủy lợi như cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô được vận hành linh hoạt nhằm kiểm soát mặn và trữ ngọt. Hệ thống cống được kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố rò rỉ mặn.

Chi cục Thủy lợi Kiên Giang sẽ tiếp tục theo dõi, vận hành hệ thống cống để đảm bảo nguồn nước ngọt. Ban Quản lý Dự án sẽ điều tiết nước tại cống Vàm Bà Lịch để hạn chế mặn xâm nhập sâu. UBND các huyện cập nhật tình hình và cảnh báo sớm cho người dân về nguy cơ hạn mặn.

 Tỉnh Sóc Trăng vui mừng vì cống âu thuyền Rạch Mọp đưa vào vận hành hôm 17.2 có ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn của địa phương

Tỉnh Sóc Trăng vui mừng vì cống âu thuyền Rạch Mọp đưa vào vận hành hôm 17.2 có ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn của địa phương

Còn tại Sóc Trăng, mặc dù tình trạng hạn và xâm nhập mặn năm 2025 dự báo sẽ cao hơn năm 2024. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thực hiện tốt việc quan trắc, đo độ mặn, dự báo, cảnh báo, khuyến cáo điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng, vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi; triển khai các biện pháp ngăn mặn, tích nước, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chủ động, tích cực trong việc phòng chống, ứng phó khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn,…

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện, các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô tới nay. Do đó, việc vận hành cống âu thuyền Rạch Mọp hôm 17.2 có ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực và tỉnh Sóc Trăng.

 Mùa khô 2024, nhiều địa phương tại Kiên Giang, Bến Tre... xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Mùa khô 2024, nhiều địa phương tại Kiên Giang, Bến Tre... xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Được biết, dự án Công trình Kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu, trong đó có cống Rạch Mọp giữ vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát mặn, giữ ngọt. Dự án góp phần đảm bảo điều kiện sản xuất ổn định cho khu vực diện tích tự nhiên 19.220ha tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).

Dự kiến 5 cống còn lại trong dự án sẽ được thi công vào đầu quý 2/2025. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng của hạn mặn, cung cấp nước ngọt cho 36.710ha đất tại các huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang).

Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mien-tay-len-ke-hoach-ung-pho-dot-han-man-gay-gat-post405046.html