Chủ động ứng phó sạt lở ở các huyện miền núi Quảng Nam: Cần giải pháp căn cơ, lâu dài
Liên tiếp trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở núi là nỗi lo thường trực của cấp ủy, chính quyền và người dân các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam mỗi khi đến mùa mưa bão. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng dày hơn, lan rộng, uy hiếp nhiều khu dân cư và cả trung tâm hành chính các huyện miền núi. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức thiết, đó là phải triển khai phòng ngừa thiên tai một cách chủ động, đòi hỏi có giải pháp căn cơ, lâu dài...
Nỗi lo núi lở, nhà sập
Gần 3 năm kể từ sau vụ lũ quét gây sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), mặc dù cuộc sống của người dân hiện đã tạm ổn ở khu tái định cư mới nhưng nỗi ám ảnh lở núi vẫn hiện rõ trên gương mặt của chị Hồ Thị Mai (khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng) mỗi khi có người nhắc đến. Chị Mai tâm sự: “Về khu định cư mới nhưng không đêm nào tôi ngủ ngon giấc vì nỗi lo mưa lớn, núi lở, nhà sập...”.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các huyện miền núi Quảng Nam hứng chịu nhiều trận sạt lở đất đá vùi lấp nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân. Tại các xã: Trà Vân, Trà Leng (huyện Nam Trà My), Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) và nhiều vùng núi khác liên tiếp xảy ra những trận sạt lở đất kèm theo lũ quét xuất hiện liên tục khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2017, Quảng Nam xảy ra 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hại. Năm 2020, Quảng Nam xảy ra 5 vụ sạt lở đất khiến 30 người chết, 17 người bị mất tích, chủ yếu ở các huyện: Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Trong những năm qua, tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ liên tiếp kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân; nhiều tuyến đường quốc lộ, đường liên xã, liên thôn bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều người dân bị chết và mất tích; nhiều ngôi nhà bị hư hỏng, vùi lấp; nhiều công trình công cộng bị cuốn trôi và hư hại...”.
Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao trên toàn tuyến miền núi. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì do nhận thức và mức độ quan tâm của cấp ủy, chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác phòng, chống thiên tai. Thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi sinh sống, khu vực sản xuất còn góp phần làm gia tăng rủi ro, gây thiệt hại lớn sau thiên tai.
Giải pháp căn cơ, lâu dài
Báo cáo tại phiên họp lần thứ 3 của Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ năm 2021 đến 2023, theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, Quảng Nam đã bố trí 210 tỷ đồng triển khai nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ dự án này, đã có 1.648 hộ dân được di dời đến nơi ở mới, chủ yếu là các huyện: Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My... Chính các nguồn lực đầu tư của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an cư cho đồng bào miền núi trước thảm họa thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở đất đá thường xuyên xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Duy Dũng cho biết: “Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025, tại huyện Nam Trà My đã có 2.904 hộ/62 khu dân cư được sắp xếp, ổn định về nơi an toàn để phòng tránh thiên tai; từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế...”.
Theo đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại các địa bàn nằm trong nguy cơ sạt lở, người dân đã từng bước có sự tham gia vào việc xây dựng phòng, chống thiên tai; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong thời gian xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, chính quyền các huyện cần hiệp đồng với các tổ chức, cá nhân về dự trữ vật tư, phương tiện; làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai để người dân được biết.
PGS, TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, để thực hiện phòng tránh, giảm thiểu các hệ lụy mà thiên tai gây ra, đặc biệt đối với người dân các tỉnh miền núi, cần tăng cường nhiều hơn việc đầu tư, hỗ trợ người dân trong vấn đề nhận thức về phòng tránh trước, trong và sau thiên tai; cần đào tạo, tập huấn cho người dân kiến thức cơ bản đã được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước công bố, hướng dẫn trong các văn bản để người dân nắm được một cách đơn giản nhất. Thời gian tới, cần xem xét, lồng ghép và coi thiên tai bất thường trở thành thiên tai bình thường để có các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với vùng miền núi, những vùng thường xuyên xảy ra sạt lở.
Liên quan đến giải pháp căn cơ chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, nêu vấn đề: “Trong định hướng của tỉnh, chủ trương quy hoạch, sắp xếp và bố trí dân cư cho miền núi luôn được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp ổn định về nhà ở gắn với phòng, chống thiên tai. Vì thế, bằng các nguồn lực đầu tư phát triển miền núi, thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều hơn các dự án sắp xếp, bố trí dân cư, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, đặc biệt là giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra”.
Bài và ảnh: KIM NGÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.