Chủ động ứng phó thiên tai
Mùa mưa bão năm 2023 bắt đầu. Mặc dù, đến nay mới xuất hiện 2 cơn bão, nhưng những ngày này miền Bắc đang mưa lớn, đã xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Mưa lớn thường kèm theo sạt lở, lũ ống, lũ quét. Cụ thể, đêm ngày 12/9/2023 xảy ra lũ ống, lũ quét tại Lào Cai, theo thông tin đến thời điểm hiện tại đã làm 10 người chết và mất tích.
Điều đó cho thấy, thời tiết, khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp. Đây không còn là nỗi lo riêng. Theo một nghiên cứu mới, phát thải khí nhà kính toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, trong bối cảnh Trái đất nóng lên với tốc độ nhanh chưa từng có.
Năm 2015, Thỏa thuận Paris (Thỏa thuận) đã được 190 quốc gia, bao gồm Việt Nam, phê chuẩn. Nội dung chính Thỏa thuận là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo tính toán của cơ quan tư vấn khoa học khí hậu của Liên Hợp quốc, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để duy trì các mục tiêu nhiệt độ theo Thỏa thuận có hiệu quả, cần phải giảm ô nhiễm carbon ít nhất 40% vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm này vào giữa thế kỷ.
Việt Nam đã tham gia nhiều thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực môi trường, vì sự phát triển bền vững, mới nhất là các cam kết tại COP26.
Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số...; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cách đây 3 năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững; nêu ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Chưa bao giờ “kinh tế xanh”, kinh tế tuần hoàn... được quan tâm nhiều như hiện nay.
Trước những đợt mưa bão gây ra thiệt hại về người, tài sản, các công trình hạ tầng, nhất là công trình giao thông; cơ quan chức năng luôn có các chỉ đạo yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả và ứng phó mưa lũ. Tuy nhiên, đó là những chỉ đạo trong tác tình huống cụ thể để giảm thiểu thiệt hại.
Về cơ bản, lâu dài phải tích cực, chủ động, bắt đầu từ chiến lược và quy hoạch, gần đây nhất và bao trùm nhất là Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Để làm được điều này, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chu-dong-ung-pho-thien-tai-post488149.html