Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, một trong những giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Theo đó, Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28. Tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6 /2024 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.
Bên cạnh đó, tập trung theo dõi việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và xây dựng NDC giai đoạn 2025-2035; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính các cấp; giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đề xuất phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức vận hành thí điểm thị trường các-bon đối với một số lĩnh vực cụ thể. Khẩn trương thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn bao gồm Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ cũng chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng và có giải pháp huy động nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản cho phát triển. Tiếp tục xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Đất đai năm 2024. Tập trung hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở các đô thị, nâng cao các chỉ số “Tiếp cận đất đai”, “Đăng ký đất đai” và “Chất lượng quản lý hành chính đất đai”.
Song song với đó, kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi. Triển khai các mô hình tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với điều kiện của từng địa phương; điều tra, cải tạo khắc phục tình trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản.
Cùng với các nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ nhấn mạnh việc tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu trong quản lý tài nguyên, môi trường biển, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Chính phủ cũng quyết nghị xây dựng Đề án phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương về biển trên nguyên tắc đảm bảo chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi. Chú trọng việc hợp tác với các cường quốc biển; đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các nước trong khu vực biển Đông.
Việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước cũng được đề ra. Theo đó, tiếp tục theo dõi, giám sát vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đảm bảo 100% hồ chứa được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hằng ngày. Theo dõi, giám sát trực tuyến vận hành các hồ chứa thủy điện lớn, đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến. Xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn; lưu vực sông Cả, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
Ngoài ra, theo dõi, giám sát biến động về dòng chảy, chất lượng nước đối với các nguồn nước liên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng.
Một nhiệm vụ khác được Chính phủ đề ra là tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, nhất là thiên tại liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới.
Chính phủ cũng xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đề án Phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía bắc. Duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.