Chủ động ứng phó với mưa, lũ khi sản xuất trên vùng đất bãi ven sông Đáy

Mùa mưa, lũ năm nay đang diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam, từ đầu mùa mưa đến nay trên sông Đáy đã xảy ra 2 đợt lũ trên báo động 2 tại TP Phủ Lý. Trong đó, đợt lũ ngày 9 - 12/9, đỉnh lũ lên mức 3,83 m dưới báo động 3 có 17 cm. Các đợt lũ đã qua trên sông Đáy đo tại TP Phủ Lý đều cao hơn 50cm so với 3 năm trước (2019, 2020 và 2021) do có lượng mưa nhiều, dồn dập trong thời gian ngắn. Lũ trên sông Đáy lên cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân khu vực ngoài bãi ven sông Đáy.

Mùa mưa, lũ năm nay đang diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam, từ đầu mùa mưa đến nay trên sông Đáy đã xảy ra 2 đợt lũ trên báo động 2 tại TP Phủ Lý. Trong đó, đợt lũ ngày 9 - 12/9, đỉnh lũ lên mức 3,83 m dưới báo động 3 có 17 cm. Các đợt lũ đã qua trên sông Đáy đo tại TP Phủ Lý đều cao hơn 50cm so với 3 năm trước (2019, 2020 và 2021) do có lượng mưa nhiều, dồn dập trong thời gian ngắn. Lũ trên sông Đáy lên cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân khu vực ngoài bãi ven sông Đáy.

Chị Đặng Thị Thơm, Thôn 5, xã Phù Vân (TP Phủ Lý) sản xuất 6 sào ruộng ngoài bãi ven sông Đáy. Trên diện tích này, chị Thơm trồng các loại hoa, gồm: 1,5 sào hoa lay ơn, 4,5 sào cúc. Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9, cả 2 lứa hoa cúc chị Thơm trồng để bán dịp từ tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán 2023 đều bị hỏng do lũ lên. Đợt thứ 2 lũ lên cao làm cho gần 3 sào cúc đã đến thời điểm nuôi điện (thắp điện vào ban đêm) bị chết. Các đợt lũ vừa qua gây thiệt hại cho chị Thơm hơn 10 triệu đồng tiền giống hoa và phân bón. Giữa tháng 9 này, chị Thơm tiếp tục trồng thêm lứa cúc mới trên một phần diện tích sẽ cho thu hoạch vào dịp tháng 12.

Chị Thơm chia sẻ: Sản xuất ngoài vùng bãi năm nay gặp khó khăn rất lớn do lũ trên sông Đáy. Hiện tôi trồng lại lứa cúc mới trên phần diện tích cao hơn, hi vọng nước sẽ không dâng lên nếu có đợt lũ tiếp theo. Sản xuất gặp khó khăn, giá cúc giống cũng đang rất cao, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước, lại khan hiếm. Hi vọng lũ trên sông không lên cao nữa để đến thời điểm thu hoạch có thể bù lại phần thiệt hại vừa qua.

Chị Đặng Thị Thơm, Thôn 5 (Phù Vân, TP Phủ Lý) đang trồng lại diện tích cúc ngoài bãi ven sông Đáy.

Chị Đặng Thị Thơm, Thôn 5 (Phù Vân, TP Phủ Lý) đang trồng lại diện tích cúc ngoài bãi ven sông Đáy.

Vùng đất bãi ven sông Đáy dọc xã Phù Vân (TP Phủ Lý) và các xã Thanh Sơn, Thi Sơn (Kim Bảng)… đều chịu thiệt hại của các đợt lũ lên cao vừa qua. Tại xã Thanh Sơn, khoảng 5 ha đất bãi ven sông phần lớn cây trồng bị ảnh hưởng, nhiều diện tích bị chết. Những ruộng trồng rau màu bị ảnh hưởng đợt lũ đầu, người dân trồng lại cây mới đều bị chết trong lần lũ lên cao từ ngày 9 – 12/9.

HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn) có 5 ha sản xuất trên vùng bãi ven sông Đáy. Những năm trước ít lũ, thời điểm đầu tháng 9 HTX triển khai trồng bắp cải trên phần lớn diện tích đón thị trường sớm lúc gối vụ (vụ hè thu và vụ đông) thường ít rau xanh, được giá. Năm nay, HTX chỉ triển khai trồng được 50% diện tích đất cao, khu vực bãi ven sông không sản xuất do rủi ro rất lớn nếu lũ tiếp tục xuất hiện và lên cao. Trong khi đó, tiền đầu tư trồng bắp cải khá lớn so với nhiều loại rau đông khác.

Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp cho biết: Lũ lên bất thường làm đảo lộn kế hoạch sản xuất của HTX. Từ thực tế đó, HTX phải hạn chế sản xuất, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sản xuất giảm đáng kể. Không có sản phẩm rau cung cấp sớm, một số mối hàng cũng bị mất…

Được biết, sản xuất tại vùng đất bãi ven sông Đáy luôn bấp bênh trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa, lũ (từ tháng 8 – 10). Vào đầu mùa mưa, lũ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương thường khuyến cáo người dân tạm ngừng sản xuất ở những vùng bãi ven sông có cốt đất quá thấp. Với những khu vực cao hơn, cần lựa chọn trồng các loại cây rau ăn lá ngắn ngày, có chi phí sản xuất thấp, để hạn chế thiệt hại khi lũ trên sông Đáy lên cao.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với vùng đất bãi ven sông mỗi đợt lũ lên giúp cải tạo đất, diệt trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, năm nay các đợt lũ lên nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Người dân cần theo dõi chặt chẽ dự báo diễn biến mưa, lũ, những cảnh báo của cơ quan chức năng khi lũ lên cao để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa mưa, lũ năm nay thời tiết vẫn có những bất thuận, mưa lớn còn xảy ra. Khả năng lũ trên sông Đáy có thể vẫn đạt báo động 2 gây ngập úng một số vùng bãi ven sông. Qua theo dõi 3 năm gần đây (2019, 2020 và 2021), mực nước lũ cao nhất trên sông Đáy đều xuất hiện trong khoảng thời gian giữa tháng 10. Xa hơn, trận lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2017 với mực nước lũ trên sông Đáy tại TP Phủ Lý lên 4,95m, cao hơn báo động 3 hơn 60 cm. Do vậy, người dân cần phải tiếp tục theo dõi để có những biện pháp ứng phó phù hợp trong quá trình sản xuất, nhất là khi gieo trồng những loại cây có giá trị cao, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/chu-dong-ung-pho-voi-mua-lua-khi-san-xuat-tren-vung-dat-bai-ven-song-day-81707.html