Chủ động vụ lúa hè thu
Giá lúa gạo vẫn đang ở mức cao. Ngay từ đầu vụ mùa, bà con nông dân phấn khởi tập trung làm đất, chuẩn bị lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu để chủ động gieo sạ vụ lúa hè thu 2024, với hy vọng vụ mùa mới bội thu, được giá. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tích cực phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống... cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, thời gian gieo sạ đợt 1 bắt đầu từ ngày 20/4-15/5 dương lịch, trước khi mùa mưa thật sự bắt đầu, để thu hoạch vào thời điểm từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch. Vùng gieo sạ là các vùng đất gò cao, không có hệ thống đê bao khép kín dự trữ được nước ngọt tại chỗ, có thể thiếu nước cuối vụ.
Thời gian gieo sạ đợt 2 từ 15/5-15/6 dương lịch, để thu hoạch vào thời điểm từ giữa tháng 9 dương lịch, đến cuối tháng 9 dương lịch. Vùng gieo sạ là các vùng đất địa hình từ trung bình - trũng thấp, có hệ thống đê bao khép kín dự trữ được nước ngọt tại chỗ.
Những vùng không đảm bảo điều kiện xuống giống trong đợt 1 thì chuyển sang xuống giống ở đợt 2. Linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí xuống giống phù hợp cho từng vùng, tiểu vùng khi diễn biến thời tiết không thuận lợi như dự kiến.
Về giống, ông Quân cho biết thêm, vụ hè thu chọn giống lúa nhóm A đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống chống chịu sâu bệnh, phèn mặn, năng suất chất lượng cao, phù hợp điều kiện canh tác địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhóm giống lúa chất lượng cao, gồm: OM18, OM5451, OM6162, Camau1, Hương Châu 6,... bố trí sản xuất khoảng 70-75% diện tích; nhóm giống lúa thơm đặc sản: ST24, ST25, RVT, Lộc trời 28, Ðài thơm 8,... bố trí sản xuất khoảng 10-15% diện tích; nhóm giống lúa chất lượng trung bình: OM576 (Hầm trâu, siêu Hầm trâu), OM2517,... bố trí sản xuất khoảng 10% diện tích. Ngoài ra, có thể gieo sạ một số giống lúa triển vọng khác như: OM429, OM3673,... với diện tích nhỏ để đánh giá năng suất, chất lượng, tính thích nghi nhằm lựa chọn để sản xuất đại trà trong thời gian tới.
Ông Quân khuyến cáo, nông dân nên chọn mua lúa giống ở Trung tâm Giống nông nghiệp, các công ty, cơ sở, đại lý kinh doanh lúa giống có uy tín, đảm bảo chất lượng. Không nên mua lúa giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, nhãn hiệu không rõ ràng.
Ðể tổ chức tốt sản xuất vụ hè thu 2024, Sở NN&PTNT đề nghị UBND cấp huyện triển khai kế hoạch sản xuất đến cấp xã, qua đó đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế (diễn biến thời tiết, đất đai, công tác chuẩn bị sản xuất...) xây dựng lịch thời vụ cụ thể, bố trí sản xuất và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, tiểu vùng; thường xuyên cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT để điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí sản xuất cho phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 35.244 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời (28.954 ha), huyện U Minh (3.280 ha), huyện Thới Bình (530 ha) và TP Cà Mau (2.480 ha). Phấn đấu đạt năng suất trung bình trên 4,3 tấn/ha, tổng sản lượng lúa đạt 151.717 tấn.
Ðến nay, bà con nông dân đã cày ải, phơi đất được 28.166 ha, đạt gần 80% so với kế hoạch, tăng 53% so với cùng kỳ, trong đó TP Cà Mau 1.847 ha, huyện Thới Bình 530 ha, huyện Trần Văn Thời 22.509 ha, huyện U Minh 3.280 ha. Ngoài ra, Trung tâm Giống nông nghiệp đã nhập về 63,8 tấn lúa giống các loại, đáp ứng nhu cầu giống cho nông dân./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-vu-lua-he-thu-a32178.html