Chủ khách sạn, nhà nghỉ lắp camera có phải thông báo cho khách?

Lắp camera tại các cơ sở lưu trú phải công khai, ở khu vực chung nhằm giám sát, đảm bảo an ninh trật tự,... không được sử dụng dữ liệu, hình ảnh vào mục đích bất hợp pháp.

Khách tố homestay ở Vũng Tàu gắn camera ngụy trang

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ lại câu chuyện của vị khách khi thuê căn hộ chung cư trên địa bàn TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo nữ du khách kể, 2 ngày lưu trú tại căn hộ cho thuê, cô phát hiện có thiết bị lạ trên trần nhà và trong tủ. Khi kiểm tra, nhận ra đó là một chiếc camera được ngụy trang trong công tắc điện. Chiếc camera khác được tìm thấy trong hộc tủ đối diện phòng vệ sinh, hướng trực tiếp vào khu vực nhà vệ sinh.

Bài đăng của nữ du khách nhận được nhiều sự chú ý trên các trang MXH. Ảnh: L.L.

Bài đăng của nữ du khách nhận được nhiều sự chú ý trên các trang MXH. Ảnh: L.L.

Ngay khi phát hiện sự việc, người đại diện nhận khách thuê căn homestay cho hay, camera do chủ nhà gắn ngay khu vực cửa ra vào để theo dõi an ninh, phát hiện kẻ gian đột nhập, bảo vệ tài sản cho chính khách thuê, không nhằm mục đích theo dõi sinh hoạt của người đang lưu trú.

Camera ngụy trang được đặt tại nhiều vị trí trong căn hộ. Ảnh: L.L.

Camera ngụy trang được đặt tại nhiều vị trí trong căn hộ. Ảnh: L.L.

Phía homestay đã xin lỗi khách hàng vì thiếu sót không thông báo về việc có gắn camera trong nhà.

Phải tôn trọng bí mật hình ảnh, đời tư của khách thuê

Theo luật sư Hoàng Thị Hương Giang - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể về việc lắp camera hoặc các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình tại các cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, việc lắp các thiết bị ghi âm, ghi hình tại các cơ sở lưu trú vẫn phải đảm bảo các quy định pháp luật về bí mật hình ảnh, bí mật đời tư của cá nhân.

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Ngoài ra, tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

"Việc lắp camera, các thiết bị ghi âm, ghi hình tại các cơ sở lưu trú phải công khai, minh bạch, được lắp đặt tại các khu vực chung nhằm mục đích giám sát, đảm bảo an toàn cho khách hàng lưu trú, đảm bảo an ninh trật tự,... không nhằm mục đích sử dụng dữ liệu, hình ảnh vào mục đích bất hợp pháp khác", luật sư Giang nói.

Nếu trong trường hợp chủ cơ sở lưu trú lắp đặt camera ghi hình tại các khu vực nhạy cảm mà khách hàng không biết, không được sự đồng ý của khách hàng rồi sử dụng những hình ảnh, dữ liệu đó vào mục đích bất hợp pháp như cung cấp cho bên thứ ba, hoặc nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người có hình ảnh hoặc đe dọa tống tiền, gây áp lực buộc người có hình ảnh trong đoạn clip thực hiện một việc trái với ý muốn của họ nhằm chiếm đoạt tài sản... đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng hành vi cụ thể, tính chất mức độ hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.

Cụ thể, trường hợp người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự thì bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo điểm điểm e, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Trường hợp sử dụng hình ảnh, dữ liệu quay lén nhằm mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm.

Còn nếu sử dụng hình ảnh, dữ liệu quay lén để nhằm mục đích đe dọa tống tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt có thể đến 12 năm tù đến 20 năm tù.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chu-khach-san-nha-nghi-lap-camera-co-phai-thong-bao-cho-khach-169240807150519558.htm