Chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy trên toàn cầu
Ngày càng nhiều nước xuất khẩu lớn trên thế giới đưa ra các hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt giá cả trong nước. Nhưng điều đó sẽ chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Theo Nikkei Asian Review, giá lương thực toàn cầu tăng cao khiến một số nước châu Á tạm dừng xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Nhưng điều này có nguy cơ đẩy lạm phát trên toàn cầu tăng cao.
Giới quan sát nhận thấy nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ lương thực sắp lan rộng sang nhiều quốc gia và các loại hàng hóa khác nhau.
Kể từ ngày 1/6, Ấn Độ chỉ cho phép các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đường khi được chính phủ cấp phép đặc biệt. Nước này cho biết biện pháp trên nhằm "duy trì nguồn cung sẵn có trong nước và ổn định giá đường".
Hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu
Hồi giữa tháng 5, Ấn Độ cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Nước này là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới. Giới chức Ấn Độ đang chật vật đảm bảo an ninh lương thực trong nước do thời tiết nắng nóng làm dấy lên lo ngại về năng suất cây trồng.
Malaysia cũng đã hạn chế xuất khẩu thịt gà để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và ổn định giá cả. Lệnh cấm được áp dụng đối với gia cầm sống, thịt ướp và đông lạnh, các bộ phận của gà và những sản phẩm làm từ gà.
Các động thái của Ấn Độ và Malaysia được đưa ra sau khi lạm phát lương thực toàn cầu tăng mạnh. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) - bao gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường - đạt 158,5 vào tháng 4, tăng 30% so với một năm trước đó.
Đà tăng chủ yếu do tình trạng gián đoạn nguồn cung và hậu cần do xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19.
Vào tháng 4, Indonesia cũng đã ngừng xuất khẩu dầu cọ, rồi dỡ bỏ lệnh cấm trong tháng 5.
Trên toàn thế giới, hàng chục mặt hàng đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão hạn chế xuất khẩu. Argentina đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thịt bò. Ghana cấm xuất khẩu ngô, gạo và đậu nành. Iran ngừng xuất khẩu khoai tây, cà tím và cà chua. Còn Ai Cập cấm xuất khẩu đậu, dầu ô liu, đậu lăng đỏ, lúa mì, ngô và dầu ăn.
Những nước này đều đang vật lộn với lạm phát tăng cao. Theo nhà cung cấp dữ liệu CEIC, lạm phát hàng năm ở Ai Cập đã lên tới 13% vào tháng 4.
Con số này lần lượt là 24%, 36% và 58% ở Ghana, Iran và Argentina. Tại Lebanon, lạm phát hàng năm lên tới 207% vào tháng trước.
"Về tổng thể, tôi cho rằng các lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm gia tăng áp lực lên giá lương thực", bà Priyanka Kishore - chuyên gia kinh tế tại Oxford Economic - nhận định.
Khoảng 1/3 lượng gà nhập khẩu của Singapore tới từ Malaysia. Sau thông báo của Malaysia hồi tuần trước, người tiêu dùng ở Singapore đã đổ xô mua thịt gà.
Đối với những quốc gia đang phát triển và các hộ gia đình thu nhập thấp, đà tăng giá của thực phẩm là vấn đề đáng lo ngại
Tác động lan tỏa
Những nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Australia cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, những hạn chế của họ chỉ nhắm vào Nga như một phần của đòn trừng phạt giáng vào Moscow.
Ngay cả trước xung đột Nga - Ukraine, chủ nghĩa bảo hộ lương thực đã nóng lên trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng không chỉ kích hoạt chủ nghĩa bảo hộ đối với thực phẩm mà còn nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Nếu các nước sản xuất lương thực lớn chuyển từ xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước, một số quốc gia sẽ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực
Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản
Một số quốc gia đã ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho cư dân của mình. Điều này đã dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước.
Theo ông Akio Shibata - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản, chuỗi cung ứng thực phẩm đã được toàn cầu hóa.
Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng này đã bị đảo ngược vì nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, biến đổi khí hậu và gián đoạn cung ứng.
Những yếu tố này đã góp phần đẩy giá lên cao. Theo ông Shibata, trong tương lai, một khi giá vẫn tăng, các biện pháp bảo hộ sẽ lan rộng sang nhiều quốc gia và những mặt hàng khác nhau.
Ông cũng cảnh báo rằng các lệnh cấm xuất khẩu của những nhà sản xuất lớn với kho dự trữ khổng lồ, chẳng hạn Nga và Trung Quốc, có thể trở thành vũ khí trong một cuộc chiến địa chính trị.
"Nếu các nước sản xuất lương thực lớn chuyển từ xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước, một số quốc gia sẽ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-nghia-bao-ho-luong-thuc-troi-day-tren-toan-cau-post1323239.html