Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp Phó Tổng Thư ký, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ
Chiều 6/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tiếp ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ.
Tại cuộc tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và ông Amandeep Singh Gill tập trung trao đổi xung quanh sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như việc quản trị, quản lý rủi ro mà AI đem đến cho xã hội và con người.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Việt Nam xác định AI là các công nghệ mới, có những lợi ích cụ thể và những bất cập đem đến nên Ủy ban đang phối hợp với Chính phủ và các cơ quan khác của Quốc hội khẩn trương thiết kế khung khổ pháp luật cho công nghệ mới này tại 02 Luật đang trình Quốc hội xem xét gồm: dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi).
Trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến đang tiếp thu hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), Ủy ban đã xác định phạm vi quản lý và dành những ưu tiên để phát triển; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng trong kỷ nguyên số, trong đó tập trung vào việc ban hành những cơ sở pháp lý cơ bản trong việc quản lý cũng như thúc đẩy những công nghệ mới như AI.
Trong dự án Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi), Chính phủ đang hoàn thiện trình Quốc hội, với quan điểm mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng rất quan tâm tìm hiểu kinh nghiệm, pháp luật quốc tế về lĩnh vực AI để nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động để quy định trong luật để các quy định đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp thực tiễn trong nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, không chỉ là về công nghệ mới, việc phát triển AI còn liên quan đến vấn đề về đạo đức, bảo vệ quyền con người. Ủy ban đang cùng với Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu những quy định cụ thể để vừa có cơ chế phát triển các công nghệ mới như AI nhưng cũng phải đưa ra những chế tài quản lý, quản trị gắn với kiểm soát rủi ro mà AI mang lại. Trong đó lưu ý đến trách nhiệm về bảo mật, kiểm soát, kiểm duyệt AI để có những chế định cụ thể đưa vào trong Luật Công nghiệp công nghệ số.
Để thực hiện tốt được những nhiệm vụ trên, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc quản trị AI. Do đó, Việt Nam cần sự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước và từ phía Liên hợp quốc.
Trong khuôn khổ cuộc tiếp, ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ bày tỏ sự vui mừng khi được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng các cán bộ của Ủy ban, đơn vị liên quan đón tiếp.
Ông Amandeep Singh Gill cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm, ý kiến của lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc phát triển và quản trị AI; đồng thời cho biết có thể tạo điều kiện thuận lợi cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển và quản trị AI, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản trị AI.
Một số hình ảnh tại cuộc tiếp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=92083