CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ỦY BAN VĂN HÓA – XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI LÀO
Chiều 13/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Đoàn Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào nhân dịp Đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào Thoummaly Vongphachanh đồng chủ trì cuộc làm việc.
CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH TIẾP ĐOÀN ỦY BAN VĂN HÓA- XÃ HỘI LÀO
Vui mừng đón Đoàn Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, chuyến thăm này là một minh chứng cho quan hệ đặc biệt, toàn diện giữa hai nước và hai Quốc hội nói chung, giữa 2 Ủy ban nói riêng. Năm 2022 là kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, đây cũng là dịp để 2 bên tiếp tục giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội hy vọng sự hợp tác giữa hai Ủy ban ngày càng chặt chẽ và gắn bó hơn, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu và xác định chỉ tiêu trong lĩnh vực xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trước hết, Ủy ban Xã hội xây dựng kế hoạch hoạt động trong việc xác định, đánh giá về các chỉ tiêu lĩnh vực xã hội, trong đó đề ra các mục tiêu, định hướng cơ bản và các hoạt động chính. Theo đó, sẽ tiến hành tổ chức các hoạt động đã được xác định trong kế hoạch; tiến hành giám sát, khảo sát thực tế tại địa phương; tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ về các chỉ tiêu mà các Bộ, ngành đề xuất; tiến hành Phiên họp toàn thể của Ủy ban để thẩm tra về các chỉ tiêu nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, nhìn chung, công tác xây dựng pháp luật được Ủy ban triển khai rất bài bản, từng khâu, từng bước đều được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng. Hiện nay, việc xây dựng pháp luật được thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có nêu rất cụ thể các quy trình, nội dung, công việc cần phải thực hiện. Các dự án luật, pháp lệnh do Ủy ban chủ trì thẩm tra khi đưa ra biểu quyết thông qua đều đạt tỷ lệ cao và được đánh giá chất lượng.
Đối với các hoạt động giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban đã tiến hành công tác giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình và thực hiện hoạt động giám sát ở các địa phương. Theo đó, Ủy ban Xã hội là cơ quan đầu tiên của Quốc hội tổ chức phiên giải trình và thực hiện từ khóa XII của Quốc hội. Đến nay, việc tổ chức các phiên giải trình đã đi vào nề nếp và trở thành công việc thường xuyên của Ủy ban. Nhiệm kỳ khóa XII, Ủy ban đã tổ chức 02 phiên giải trình. Nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban tổ chức 07 phiên giải trình và phối hợp tổ chức 01 phiên giải trình với Hội đồng dân tộc. Nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban đã tổ chức 06 phiên giải trình. Nhiệm kỳ khóa XV, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Tư pháp đồng chủ trì phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” trong năm 2021.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, hằng năm, Ủy ban đều tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát tại các địa phương. Trong lựa chọn các nội dung, chuyên đề giám sát, Ủy ban ưu tiên tập trung những lĩnh vực quản lý nhà nước có nhiều vướng mắc nổi cộm trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, được dư luận cử tri cả nước quan tâm và thúc đẩy các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh đối với những vấn đề này. Đồng thời, Ủy ban tổ chức giám sát tại địa phương và trung ương về những nội dung Ủy ban phải thẩm tra báo cáo của Chính phủ theo luật định, như: việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (Luật Bảo hiểm xã hội), việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (Luật Bình đẳng giới), Quỹ bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế), Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá)... Tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban ngoài Thường trực Ủy ban còn có các thành viên Ủy ban, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại địa phương và đại diện một số cơ quan, bộ, ngành có liên quan.
Đối với phương pháp và cơ chế phối hợp với Chính phủ và các Bộ, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Xã hội đã chủ động phối hợp với Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm nắm bắt thông tin kịp thời, định hướng một số quan điểm chính sách lớn ngay từ khi thẩm tra đề nghị về chương trình xây dựng pháp luật hằng năm; định kỳ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về tiến độ và các nội dung lớn của các dự án pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo, trước khi thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thảo luận, tham vấn về nội dung các dự án pháp luật trước và sau khi thẩm tra, trong quá trình chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý các dự thảo luật và đề nghị Chính phủ tham gia báo cáo tại các phiên họp.
Bên cạnh đó, trong hoạt động giám sát, khảo sát, cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Xã hội và các Bộ, ngành đã được xác định rõ và thực hiện nhuần nhuyễn. Theo đó, Chính phủ xây dựng báo cáo kết quả thực hiện và báo cáo tại phiên họp do Ủy ban tổ chức, đồng thời cử cán bộ tham gia cùng đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban. Về việc tiếp nhận chuyển đơn thư khiếu nại, đối với các đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban, Ủy ban sẽ chuyển đơn thư đến các Bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp xử lý giải quyết các đơn thư cho công dân. Ngoài ra, Ủy ban Xã hội và Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan luôn chủ động, phối hợp trao đổi thông tin trong quá trình làm việc.
Cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Thường trực Ủy ban Xã hội dành cho Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Thoummaly Vongphachanh nhấn mạnh, chuyến thăm lần này tiếp nối truyền thống tốt đẹp cũng như sự đoàn kết, tình hữu nghị toàn diện giữa hai Đảng, hai Quốc hội để mối quan hệ bền vững này ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái, đạt được nhiều thành tựu thiết thực.
Cho biết lĩnh vực Xã hội bao gồm rất nhiều lĩnh vực quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Thoummaly Vongphachanh mong muốn nhận được sự chia sẻ của Ủy ban Xã hội về một số nội dung như: bài học kinh nghiệm về việc nghiên cứu xác định chỉ tiêu khi bắt đầu quá trình xây dựng luật, chính sách trong lĩnh vực xã hội; giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phương pháp và cơ chế phối hợp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; giám sát việc xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế và giải quyết vấn đề thất nghiệp; lập và chỉnh sửa pháp luật, thể chế…
Qua thảo luận tại buổi làm việc, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Lào nhất trí sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ về việc thúc đẩy trao đổi thông tin, bài học với nhau trong việc hoạt động theo vai trò, phạm vi quyền và nhiệm vụ của mỗi bên và hoạt động khác mà cả hai bên đều quan tâm và thống nhất. Bên cạnh đó, hai bên đồng ý về việc gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm theo điều kiện thực tế; tổ chức đào tạo, hội thảo, tham quan học tập; trao đổi bài học và hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau trong hoạt động tại các diễn đàn, tổ chức Nghị viện khu vực và quốc tế.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69425