Chư Pưh tập trung giải quyết nước sinh hoạt vùng dân tộc thiểu số
Thời gian qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con.
Làng Dư Keo (xã Ia Hla) là một trong những vùng trọng điểm của huyện về tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng nước giọt, nước giếng đào. Tuy nhiên, vào mùa khô, nhiều giếng bị cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, huyện Chư Pưh đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại làng Dư Keo với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Công trình gồm: 2 giếng khoan sâu 120 m, dự kiến lưu lượng nước khai thác trên 92 m3/ngày-đêm; 2 đài nước (mỗi đài nước có dung tích 20 m³); hệ thống xử lý nước; hệ thống ống dẫn nước và đồng hồ cấp nước đến từng hộ dân. Đến tháng 4-2025, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng và bàn giao cho Ban Nhân dân thôn quản lý, vận hành.

Công trình cấp nước tập trung tại làng Dư Keo được đầu tư gần 3 tỷ đồng. Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Trung Thành-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dư Keo-cho hay: Người dân trong làng chủ yếu sử dụng nước giếng nhưng khi đào giếng thường gặp đá nên lượng nước không nhiều. Vì vậy, cứ vào mùa khô, người dân phải vất vả tìm nguồn nước sinh hoạt vì các giếng nước bị cạn.
Bây giờ đã có hệ thống nước sạch, bà con trong làng rất phấn khởi. Việc quản lý công trình được giao cho Ban Nhân dân thôn, thu phí theo mức dùng để chi trả tiền điện và duy trì vận hành.
“Hiện tại, làng đã kéo hệ thống ống nước và lắp đồng hồ cho hơn 70 hộ dân. Thời gian tới, tiếp tục đầu tư thêm đường ống và lắp đồng hồ nước cho khoảng 80 hộ dân nữa. Chúng tôi cũng họp dân để tính toán đơn giá trên m3 nước sử dụng để chi trả tiền điện, nhân công quản lý, điều hành và bảo trì hệ thống cấp nước tập trung”-ông Thành thông tin.

Bà Ngô Thị Hồng (người dân làng Dư Keo) đang lấy nước để phục vụ sinh hoạt. Ảnh: L.N
Được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bà Ngô Thị Hồng (làng Dư Keo) vui vẻ nói: “Trước đây, gia đình tôi phải đào giếng nhưng cứ đến thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch là giếng lại bị cạn; có khi phải đi xin hàng xóm từng can nước để nấu ăn, sinh hoạt. Giờ nước sạch đến tận nhà, không còn lo thiếu nước mỗi mùa khô nữa”.
Còn ông Rah Lan Ayun (cùng làng) thì cho biết: “Vào mùa khô thiếu nước, gia đình thường tranh thủ tắm, giặt ở suối khi đi làm rẫy và lấy nước giọt về dùng. Giờ hệ thống nước sạch được Nhà nước hỗ trợ kéo về tận nhà, gia đình tôi phấn khởi lắm!”.
Ông Rah Lan Hoen-Chủ tịch UBND xã Ia Hla-cho biết: “Xã có 1.483 hộ dân sinh sống ở 8 thôn, làng; trong đó có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số là Dư Keo, Mung và Tông Kek.
Nhiều năm qua, làng Dư Keo luôn là điểm “nóng” về tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã được đầu tư công trình nước sạch tập trung để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân”.
Bên cạnh công trình cấp nước tập trung tại làng Dư Keo (xã Ia Hla), từ năm 2022-2024, huyện Chư Pưh còn triển khai cấp nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo tại một số xã khác.
Theo đó, xã Ia Hla được hỗ trợ 59 bồn chứa nước, xã Ia Hrú 39 bồn và xã Chư Don 55 bồn với tổng kinh phí 447 triệu đồng. Đây là giải pháp thiết thực giúp các hộ dân ở những vùng khó khăn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài. Các công trình cấp nước hoàn thành đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Xuân Tài-Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Pưh-cho biết: “Huyện xác định nước sạch là nhu cầu bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.
Vì vậy, việc đầu tư các công trình tập trung và cấp nước phân tán giúp giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân”.