Na Rì vững bước trên con đường phát triển cùng đất nước
Gần 30 năm sau ngày tái lập tỉnh (01/01/1997), được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vượt khó của chính quyền và Nhân dân, Na Rì hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, tự tin bước cùng cả nước trên con đường phát triển.

Người dân xã Kim Lư phát triển cây chè.
Gần 30 năm trước, trong ký ức của bà Lô Thị Hơn, người dân thôn Thâm San, xã Xuân Dương, quãng đường chỉ 3km từ thôn trung tâm xã, nhưng khá vất vả, gian nan. Khi ấy, đường chỉ được rải cấp phối, nhiều đoạn cua gấp, dốc cao khiến bà phải xuống xe dắt bộ. Nay, mỗi khi Lễ hội “Chợ tình Xuân Dương” đến gần, bà Hơn đều thong thả chạy xe máy ghé qua khu vực sân khấu xem công tác chuẩn bị. Đường sá đã được bê tông hóa, điện lưới quốc gia thắp sáng từng con ngõ – những đổi thay mà bà cho là rõ ràng và đáng quý nhất sau gần ba thập kỷ tái lập tỉnh.

100% xã trong huyện Na Rì có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông.
Sự phát triển của Na Rì không chỉ thể hiện ở những đổi thay dễ thấy như đường xá, điện sáng, mà còn được minh chứng bằng những con số ấn tượng. Nếu như năm 1997, tổng sản lượng lương thực của huyện chỉ ở mức hơn 11.000 tấn, thì đến năm 2024 đã đạt trên 34.000 tấn, tăng gần gấp ba lần. Lương thực bình quân đầu người đạt 820kg/năm, tăng gần 2,5 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Thu ngân sách từ mức khoảng 2 tỷ đồng nay đã vươn lên 35 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Giai đoạn 2020–2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân hơn 3,5% mỗi năm.

Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm nắm tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Na Rì.
Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện cũng được đầu tư bài bản, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển lâu dài. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025, huyện đã giải ngân được 411,3/508,6 tỷ đồng (đạt hơn 80%), góp phần xây dựng, nâng cấp và duy tu hơn 680 công trình. Tính đến nay, 100% xã trong huyện có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; hơn 91% thôn, bản có đường ô tô được cứng hóa và trên 98% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia ổn định.

Cây hồng không hạt được huyện Na Rì chọn là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện Na Rì còn chú trọng củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính trị. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chú trọng công tác kiểm điểm, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai hiệu quả, góp phần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

"Làng nghề miến dong Côn Minh" là làng nghề duy nhất đến nay được công nhận của tỉnh.
Chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của quê hương, ông Đỗ Minh Hóa, người dân thôn Tân Lập, xã Côn Minh tự hào: “Điện, đường, trường, trạm giờ đây đều khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống người dân Côn Minh nói riêng, Na Rì nói chung đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, Côn Minh tự hào là nơi duy nhất trong tỉnh có làng nghề miến dong được công nhận năm 2024”.
Không riêng Xuân Dương hay Côn Minh, mà hầu hết các xã, thị trấn trong huyện Na Rì ngày nay đều đang khoác lên mình diện mạo mới – một Na Rì năng động, đổi thay từng ngày. Sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện suốt gần ba thập kỷ qua.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: “Nhìn lại chặng đường gần 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, chúng tôi tự hào với những thành quả đã đạt được. Kinh tế phát triển, văn hóa – xã hội khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục nỗ lực bứt phá, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc”./.