Chữ quốc ngữ - hiện tượng hiếm gặp ở châu Á

Chữ quốc ngữ, được sử dụng rộng rãi hơn 100 năm qua, đã và đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống chữ viết này, tính từ những ngày đầu là công cụ của các nhà truyền giáo đến khi trở thành văn tự chính thức của quốc gia, là câu chuyện thú vị, với không ít thăng trầm.

Thăng trầm trên 3 thế kỷ

Tính đến nay, kể từ thập niên 20 của thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ đã có lịch sử khoảng 400 năm. Đó là hành trình đủ dài để một hệ thống ngôn ngữ được hình thành và phát triển trở thành ngôn ngữ viết chuẩn mực.

Giới thiệu báo chí quốc ngữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Giới thiệu báo chí quốc ngữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tại tọa đàm “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)” mới đây, các nhà nghiên cứu cho biết, thứ chữ này vốn phát sinh từ nhu cầu thực tế việc học tiếng Việt của các nhà truyền giáo. Bảng chữ cái độc đáo này được sáng tạo vào nửa đầu thế kỷ XVII nhờ công lao của các nhà truyền giáo dòng Tên cư trú ở Đàng Trong, rồi Đàng Ngoài. Thời điểm đó, tại Việt Nam, chữ Nho, vay mượn của Trung Hoa, được sử dụng trong các văn bản hành chính, khoa cử, kinh điển. Chữ Nôm có nguồn gốc dân tộc, cải biên từ chữ Nho để dùng trong cuộc sống hàng ngày, tuy chưa được sử dụng rộng khắp.

Trải qua thăng trầm trên 3 thế kỷ - từ lúc các thừa sai dòng Tên đến Hội An cho đến khi vua Khải Định chấm dứt khoa cử Hán học - chữ quốc ngữ cuối cùng đã được chấp nhận là chữ viết của nước Việt Nam hiện đại. Năm 1919, tức mới chỉ khoảng 100 năm qua, chữ quốc ngữ chính thức được người Việt đón nhận và sử dụng rộng rãi.

Dày công nghiên cứu, tiếp cận, sưu tầm và phân tích các văn bản lưu trữ được viết bằng tiếng Latin, Bồ Đào Nha, Italy nằm rải rác trong văn khố ở Roma, Paris, Lisbon, Avila và Madrid, phục dựng quá trình ghi tiếng Việt bằng chữ Latin, TS. Phạm Thị Kiều Ly nhận định: việc sử dụng một bảng chữ cái vay mượn phần lớn từ bảng chữ cái Latin và nhiều ngôn ngữ nhóm Roman mà chủ yếu từ bảng chữ cái tiếng Bồ Đào Nha, là một hiện tượng hiếm gặp ở các quốc gia châu Á, chịu ảnh hưởng về chính trị và văn hóa Trung Hoa và thấm nhuần Khổng giáo…

Sự góp sức của nhiều thế hệ

Theo PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Việt Nam có 54 dân tộc, nhưng thống kê hiện nay, 33 dân tộc có văn tự, còn lại chưa có chữ viết. Từ những nghiên cứu đến nay chưa phát hiện ra văn tự khởi thủy của Việt Nam; còn lại là văn tự phái sinh từ văn tự của Ấn Độ, Trung Quốc và văn tự có nguồn gốc phái sinh từ chữ Latin.

Vay mượn văn tự là hiện tượng phổ quát, nằm trong xu thế chung của thế giới. PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường cho biết, trên thế giới chỉ có 5 loại văn tự tự nó, còn lại là văn tự phái sinh, nên việc vay mượn văn tự là hết sức bình thường. Có thời kỳ lịch sử, sản phẩm văn tự được chia sẻ chung ở các không gian vốn không bị tách rời, ngăn cách bởi biên giới quốc gia như ngày nay. Ở thời kỳ chưa có chữ viết riêng, cộng đồng Đông Á đã lựa chọn chữ Hán, loại hình ngôn ngữ và văn tự có tính chất chung của khu vực.

Thời gian dài hình thành và phát triển, qua thăng trầm lịch sử, chính trị và văn hóa, cuối thế kỷ XIX, tại Việt Nam, chữ quốc ngữ được đưa vào chương trình học chính quy và số học trò có thể viết thông thạo tăng lên theo cấp số nhân. Cùng với những tri thức mới về các lĩnh vực được đưa vào chương trình dạy học đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tâm hồn người Việt Nam.

Cũng ngay từ năm 1865, ở Nam Kỳ đã xuất hiện tờ Gia Định báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ với các mục lớn là Công vụ, Tạp vụ để phổ biến cho người dân các thông tin cũng như kiến thức thường thức. Sau đó là các tạp chí như Nhựt trình Nam kỳ (1897), Thông loại khóa trình (1888), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907)… Ở Bắc kỳ xuất hiện Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913)…

Ngoài ra, rất nhiều sách khoa học, văn chương, nghệ thuật, triết học của Pháp được dịch sang tiếng Việt. Nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… được xuất bản bằng chữ quốc ngữ. Từ đó mang đến thông tin tức, hiểu biết văn hóa, thông tin cho độc giả; đồng thời còn đóng vai trò phổ biến chữ quốc ngữ và giáo dục quốc dân.

TS. Phạm Thị Kiều Ly nhận định, sự sáng tạo và trưởng thành của một công trình như chữ quốc ngữ là công sức của nhiều thế hệ. Trước hết, đó là thành quả lao động của nhiều thế hệ giáo sĩ dòng Tên. Tuy nhiên, người Việt cũng có những đóng góp sáng tạo chữ này với tư cách là thầy dạy tiếng, chỉnh âm, người giữ gìn và chỉnh lý chữ quốc ngữ. Sau này, các sĩ phu yêu nước và người Việt Nam tiến bộ - nhận thấy sự tiện lợi của hệ thống chữ viết theo mẫu tự Latin trong việc xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, đã có những hoạt động đẩy mạnh truyền bá chữ này…

Có thể thấy, ban đầu, việc tiếp nhận chữ quốc ngữ gặp không ít khó khăn. Một bộ phận nhà Nho ở thế kỷ XIX cho rằng chữ Hán mới là chữ viết chính thống, việc sử dụng chữ quốc ngữ sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước những lợi ích rõ rệt mà chữ quốc ngữ mang lại, đặc biệt trong việc phổ cập giáo dục, ngày càng nhiều người dân, nhất là lớp trẻ, đã tích cực học tập và sử dụng chữ viết mới một cách rộng rãi. Dần dần, chữ viết này trở thành văn tự chính thức của Việt Nam sau năm 1945 và tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện cho tới ngày nay.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/chu-quoc-ngu-hien-tuong-hiem-gap-o-chau-a-i383043/